“Thêm dầu” cho chảo lửa vùng Vịnh

Thời báo Niu Yoóc số ra gần đây cho hay, Oasinhtơn đang đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng thủ nhằm chống lại khả năng Iran tấn công tên lửa ở vùng Vịnh. Dẫn lời các quan chức chính quyền và quân sự Mỹ, tờ báo này cho biết, động thái này liên quan đến việc triển khai các tàu chuyên dụng ở ngoài khơi bờ biển của Iran cũng như các hệ thống chống tên lửa tại ít nhất 4 quốc gia Arập là Quata, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Baranh và Côoét. Mỹ cũng đã tiếp cận Ôman dù chưa triển khai tên lửa Patriốt nào đến đó. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng tiết lộ, mục tiêu đầu tiên của hành động này nhằm tăng khả năng răn đe Iran, sau nữa là tái bảo đảm với các nước Arập để họ không cảm thấy phải tự trang bị hạt nhân.

“Thêm dầu” cho chảo lửa vùng Vịnh ảnh 1

Tên lửa đẩy Kavoshgar 3 của Iran rời bệ phóng

Có thể thấy, cùng với những áp lực trên phương diện ngoại giao, động thái mới của chính quyền Mỹ, dù mới chỉ cảnh báo trên phương diện truyền thông, nhưng rõ ràng, thông tin về một lá chắn mới ở vùng Vịnh của Mỹ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào những đốm lửa đang âm ỉ cháy trong khu vực. Áp lực của Mỹ cộng thêm sự gia tăng, siết chặt cấm vận của các đồng minh đối với Têhêran khiến cho dư luận có những tiên liệu không tốt về diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Pháp P.Philôn mới đây cũng đã cáo buộc Iran phớt lờ đề nghị đối thoại của quốc tế và phản ứng theo cách sai trái. Theo ông, đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải có những biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran và Pháp sẽ tìm kiếm những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, khi thời gian thương lượng đã hết...

Đáp lại, Têhêran một mặt chủ trương hợp tác, không đối đầu, trong vấn đề trao đổi nhiên liệu hạt nhân như một bước "xuống thang" mới nhất; nhưng mặt khác lại tỏ ra không kém phần cứng rắn. Mới đây, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống M. Amađinêgiát cho biết, Têhêran "không phản đối" việc đưa urani đã được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) trong kho dự trữ của mình ra nước ngoài để làm giàu ở cấp độ cao hơn thành nhiên liệu. Đây được xem là sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của Iran về vấn đề này, làm giảm áp lực về khả năng áp đặt các biện pháp mới trừng phạt quốc gia Hồi giáo này liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân. Từ trước tới nay, Têhêran luôn lảng tránh trả lời đề xuất này của IAEA.

Trong khi đó, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang nước này, Thiếu tướng H.Phirugiabađi tuyên bố, Iran có thể "vô hiệu hóa" hệ thống đánh chặn tên lửa Patriốt của Mỹ bằng những chiến thuật đơn giản. Têhêran cũng vừa phóng thành công tên lửa đẩy Kavoshgar 3 (Người thám hiểm) do nước này tự chế tạo, mang theo một thiết bị thí nghiệm dạng khoang chứa một số sinh vật sống, gồm chuột, rùa và côn trùng. Thiết bị này có khả năng chuyển thông tin về Trái đất. Cơ quan hàng không vũ trụ Iran cũng vừa công bố một loại tên lửa đẩy mới mang tên Simorgh do nước này tự chế tạo…

Bởi vậy, có thể hiểu được sự quan ngại của các nước phương Tây về khả năng Iran có thể sẽ sản xuất vũ khí hạt nhân, bất chấp việc Têhêran cam đoan chỉ sử dụng hạt nhân vào mục đích dân sự. Nghi ngờ của các cường quốc phương Tây càng tăng lên, sau tuyên bố mới nhất của Tổng thống M.Amađinêgiát (ngày 17-2) về khả năng làm giàu urani của Têhêran, trong bối cảnh hiện nay là có thể hiểu được. Theo Ngoại trưởng Đức G.Oéttơoen, Iran đã nhiều lần có động thái "đánh lừa" thế giới, vì vậy cộng đồng quốc tế phải đánh giá các cam kết của Iran dựa trên hành động chứ không phải lời nói. Nhà Trắng đã chia sẻ quan điểm với người Đức khi khẳng định mới nhất (ngày 17-2) rằng, Oasinhtơn để ngỏ mọi khả năng với Iran.

Vấn đề ở đây là niềm tin giữa hai bên chưa được tạo dựng. Sự nghi ngờ luôn thường trực ở cả hai phía thể hiện qua nhiều toan tính trong ít ngày qua.

Theo Trung Hiếu (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm