Palestine có thể kiện Israel ra tòa án quốc tế

Báo New York Times ngày 30-11 dẫn lời GS Robbie Sabel ở ĐH Hebrew tại Jerusalem nhận định như trên.

Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine Saeb Erekat nhận định từ nay Israel không thể gọi bờ Tây, dải Gaza và Đông Jerusalem là “lãnh thổ tranh chấp” nữa mà chỉ có thể gọi đó là “lãnh thổ bị chiếm đóng” trong đàm phán hòa bình sau này.

Với tư cách mới, Palestine có thể tham gia các cơ quan của LHQ như Tòa án Hình sự quốc tế. Vấn đề là liệu Palestine có sử dụng vị thế mới để tái khởi động đàm phán với Israel trên tinh thần hòa bình, hòa giải hay tìm cách chống lại Israel tại Tòa án Hình sự quốc tế?

Báo New York Times nhận định Palestine có thể tận dụng cả hai giải pháp. Lâu nay Israel chỉ chấp nhận thiết lập nhà nước độc lập Palestine thông qua đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, với vị thế mới của Palestine, đàm phán sẽ khó khăn hơn bởi Palestine chủ trương một nhà nước Palestine dựa trên biên giới trước chiến tranh Trung Đông năm 1967, trong đó bờ Tây, dải Gaza và Đông Jerusalem đều thuộc lãnh thổ Palestine. Trong khi đó, Israel hoàn toàn không chấp nhận điều này.

Nếu đàm phán bế tắc, Palestine có thể sẽ chọn giải pháp thứ hai. Ông Mustafa Barghouti (nguyên ứng cử viên tổng thống Palestine) nhận định nếu Israel không tuân thủ Công ước Geneva IV, với tư cách quốc gia bị chiếm đóng, Palestine có thể khởi kiện Israel ra Tòa án Hình sự quốc tế hoặc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Israel thông qua các cơ quan LHQ.

Ông ghi nhận có một danh sách dài các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Israel như xây dựng các khu định cư người Do Thái trên vùng đất Palestine, tiến hành các dự án kinh tế ở bờ Tây và ngược đãi phạm nhân Palestine. Công ước Geneva IV cấm quốc gia này di chuyển dân đến định cư ở lãnh thổ chiếm đóng. Bởi thế hầu hết các nước đều không công nhận các khu định cư người Do Thái của Israel.

Hãng tin BBC nhận định với vị thế mới tại LHQ, Palestine có lợi thế trong đàm phán hòa bình với Israel về nhiều vấn đề quan trọng gồm số phận các khu tái định cư, ranh giới biên giới, quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập vẫn còn xa vời do tiến trình đàm phán hòa bình với Israel vẫn bế tắc và chắc chắn sẽ tiếp tục bế tắc sau khi vị thế của Palestine được nâng tầm tại LHQ. Ngoài ra, chính quyền Palestine vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có quân đội hay cảnh sát chính quy cũng như chưa kiểm soát được biên giới, không phận và thương mại ở dải Gaza và bờ Tây.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm