Nước Nhật một năm sau thảm họa

Theo báo The Telegraph (Anh) ngày 9-3, Tổng cục Cảnh sát quốc gia Nhật công bố số liệu nạn nhân mới nhất gồm 15.854 người chết và 3.271 người còn mất tích. Trong số người chết có 478 người chưa xác định danh tính. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hơn 90% chết đuối. Hơn 56% là người già từ 65 tuổi trở lên. Phụ nữ chiếm 53%.

Nước Nhật một năm sau thảm họa ảnh 1

Báo Boston Globe (Mỹ) ngày 7-3 đã giới thiệu hai hình ảnh so sánh. Ảnh trái: Chị Yuko Sugimoto trùm chăn tìm con trai ở thị trấn Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi ngày 13-3-2011, tức hai ngày sau thảm họa. Ảnh phải: Ngày 27-1, chị và con trai chụp ảnh tại nơi chị đã đứng năm ngoái. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Tiêu điểm

10.000

rung chấn đã xảy ra từ ngày 11-3-2011 đến nay theo thông báo ngày 9-3 của Cơ quan Khí tượng Nhật. Trong số đó khoảng 70% được xác định là dư chấn của thảm họa động đất cũ.

Từ ngày thảm họa đến nay, cảnh sát đã bỏ ra 550.000 giờ tìm kiếm thi thể các nạn nhân ở ba tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất Iwate, Miyagi và Fukushima. Đến nay, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục.

Theo Hội Chữ thập đỏ Nhật, hiện còn hơn 320.000 người cư trú trong các khu nhà tạm và dự báo có 260.000 người sẽ còn tiếp tục sống tạm bợ như thế thêm năm năm nữa.

Theo Bộ Lao động Nhật, đến nay 20% trong 27.000 công ty bị ảnh hưởng vẫn chưa khôi phục hoạt động và 65.000 nạn nhân thảm họa chưa tìm được việc làm. Báo Yomiuri (Nhật) ngày 8-3 cho biết chính phủ đã có kế hoạch trợ cấp cho các công ty tuyển thêm lao động thất nghiệp sau thảm họa.

Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật vẫn chưa kết thúc. Theo báo Mainichi (Nhật) ngày 8-3, mức phóng xạ rò rỉ đã giảm nhiều nhưng khoảng 100.000 người dân có nhà trong bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima vẫn chưa thể về nhà.

Chính phủ và các tỉnh đang bàn bạc khả năng tập trung toàn bộ đất bề mặt nhiễm phóng xạ của tám tỉnh vùng đông bắc về một địa điểm. 1.150 tỉ yen trong tài khóa 2013 được dành cho công tác này.

Hãng tin AP nhận định một năm sau thảm họa, chính phủ Nhật hầu như chưa cải thiện các quy chế quản lý an toàn nhà máy điện hạt nhân. Đến nay chỉ có hai nhà máy xây đê biển và một nhà máy lắp đặt hệ thống thông gió để ngăn ngừa nổ hydro.

Theo thăm dò của báo Mainichi (Nhật) công bố ngày 8-3, 60% thị trưởng của 42 thành phố thuộc ba tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima mong muốn hủy bỏ toàn bộ nhà máy điện hạt nhân.

Báo cũng công bố kết quả khảo sát cho thấy 57% số người được hỏi ở tỉnh Fukushima cho biết một năm sau thảm họa, cuộc sống của họ tệ đi nhiều. Tỉ lệ này ở hai tỉnh Miyagi và Iwate là 35% và 31%. 54% ở tỉnh Fukushima lo ngại sức khỏe bị phóng xạ rò rỉ ảnh hưởng.

Công tác tái thiết cũng chỉ ở điểm bắt đầu. Cơ quan Tái thiết sau thảm họa mới bắt đầu hoạt động ngày 10-2. Chính phủ đã thống nhất chi cho cơ quan này 20.000 tỉ yen (5.101.470 tỉ đồng VN) trong hai năm nhằm xây nhà, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, dọn dẹp các khu vực nhiễm xạ và xây sáu thành phố mới ở vùng đông bắc.

Theo TTXVN, ngày 9-3 tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự khâm phục ý chí quật cường, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của người dân Nhật khắc phục khó khăn và tin tưởng với nghị lực phi thường và nỗ lực không mệt mỏi, nhân dân Nhật sẽ thành công trong công cuộc khôi phục và tái thiết. Đại sứ Nhật tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã cảm ơn sâu sắc trước sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc và tình đoàn kết của Việt Nam dành cho Nhật.

THIÊN ÂN - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm