Nguy cơ “vay nợ mới để trả nợ cũ”

Nguy cơ “vay nợ mới để trả nợ cũ” ảnh 1

Đồng euro tiếp tục sụt giá. Theo Reuters, trong phiên giao dịch ngày 6-1, đồng euro tiếp tục sụt giá xuống mức 1 euro đổi được dưới 1,27 USD, thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Giá chứng khoán châu Á cũng sụt giảm mạnh, nguyên nhân do các tin xấu mới từ châu Âu: các ngân hàng Tây Ban Nha ôm nhiều nợ xấu hơn ước tính, Pháp khó bán trái phiếu...- Ảnh: Reuters

Trớ trêu là hiện nay, nhiều nền kinh tế phương Tây và các khu vực khác đang sống ngắc ngoải theo “kiểu Ponzi”.

Đến hạn lại vay

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 11 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải trả nợ và lãi tới hơn 8.000 tỉ USD trong năm 2012. Các ngân hàng châu Âu sẽ phải trả khoảng 926 tỉ USD trong năm, bao gồm 357,8 tỉ USD ngay trong quý 1. Theo tạp chí Đức Der Spiegel, bị các nhà đầu tư tư nhân lảng tránh, các ngân hàng châu Âu đã phải ngửa tay xin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hỗ trợ.

Hiện ECB đang cho các ngân hàng này vay ồ ạt với mức lãi suất tối thiểu và liên tục mua trái phiếu chính phủ các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý, loại trái phiếu chẳng ai muốn mua. ECB đang trở thành chủ nợ lớn của các nước châu Âu.

Theo Bloomberg, tính đến nay ECB đã cho các nước này vay khoảng 270 tỉ USD. Ý sẽ phải trả 204 tỉ USD trong quý 1-2012 và tổng cộng 383 tỉ USD trong cả năm. Chính quyền Rome đang nỗ lực vay nợ từ các nguồn ngoài ECB để trả nợ, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ủy ban châu Âu (EC) đang kêu gọi các nước khối đồng euro cùng phát hành loại trái phiếu chung (eurobond). Điều đó có nghĩa là các nước khối đồng euro cùng tích tụ một khối nợ chung. Quỹ giải cứu châu Âu hiện có khoảng 562 tỉ USD, nhưng khoảng 191 tỉ USD đã được “để dành” cho Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào quỹ này. Có nghĩa là số lượng chủ nợ sẽ gia tăng.

Theo báo Wall Street Journal, tổng nợ công toàn cầu năm 2011 khoảng 55.000 tỉ USD. Mỹ dẫn đầu danh sách đen với khoản nợ khổng lồ 15.000 tỉ USD, tiếp theo là Nhật với 13.000 tỉ USD và các con số này liên tục gia tăng. Ví dụ, Đức nợ 2.590 tỉ USD trong quý 3-2011, tăng 13,8 tỉ USD so với ba tháng trước đó. Nợ công Đức tăng 153 triệu USD/ngày, tương đương hơn 102.000 USD/phút.

“Nợ công đã tăng tới ngưỡng chưa từng thấy, kể cả trong thời kỳ các cuộc chiến tranh lớn - các nhà kinh tế Ngân hàng BIS nhận định - Cả thế giới đang mắc nợ”.

Cái chết của một hệ thống

Der Spiegel dẫn lời một số chuyên gia kinh tế khẳng định vấn đề là số tiền các nước đang chi tiêu lớn hơn nhiều so với những gì họ kiếm được. Kinh tế Mỹ, Nhật và châu Âu èo uột, tăng trưởng thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao, do đó tiền kiếm ra không đủ để trả nợ. Một số nước khối đồng euro đang phải vay nợ với lãi suất lên tới 7%, ngưỡng quá cao, khiến gánh nợ càng gia tăng.

Các nước khối đồng euro, từ Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến Hi Lạp, Ireland đều đang mạnh tay cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để giảm nợ. Nhưng chính sách đó dẫn tới tình trạng tăng trưởng ngày càng yếu ớt. Ireland là bài học rõ ràng: giảm chi tối đa kéo theo GDP sụt giảm 1,9%, nợ vẫn tăng. Cách nào để trả nợ tới hạn? Đành phải vay tiếp bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.

“Tất cả là một mô hình Ponzi khổng lồ, trong đó các chính phủ đang nợ đầm đìa tiếp tục mắc nợ thêm” - kênh CNBC dẫn lời giáo sư Niall Ferguson thuộc Đại học Harvard. Chuyên gia kinh tế Đức Alexander Jung nhận định hệ thống tài chính hiện tại chỉ tiếp tục hoạt động khi chủ nợ vẫn tin tưởng các con nợ có đủ khả năng trả nợ. Khi niềm tin này tan biến, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Đó là những gì đã xảy ra với Carlo Ponzi và Bernard Madoff.

Nhiều quốc gia châu Âu đang có số phận tương tự. Theo chuyên gia Jung, thực tế Hi Lạp đã vỡ nợ, Ý và Tây Ban Nha có lúc phải trả mức lãi suất lên tới 7%. Pháp đang đối mặt với nguy cơ đánh mất xếp hạng tín dụng hoàn hảo AAA. Điều đó có nghĩa thị trường đang đánh mất niềm tin với các quốc gia mắc nợ.

Ponzi là gì?

Carlo Ponzi, một người rửa bát ở Parma (Ý), di cư đến Mỹ năm 1903 với 2,5 USD trong túi và ước mơ trở thành triệu phú. Hắn lôi kéo tiền đầu tư của nhiều người bằng lời hứa cực kỳ hấp dẫn: tăng 50% số tiền vốn sau sáu tuần. Thế là các nhà đầu tư ùn ùn kéo đến. Từ 10 người, Ponzi lôi kéo được hàng trăm, rồi hàng ngàn. Họ không biết rằng Ponzi đơn giản chỉ lấy tiền của nhà đầu tư mới để trả lãi cho nhà đầu tư cũ.

Khi cảnh sát lật tẩy trò lừa đảo, Ponzi bị xử tù và chết trong nghèo khổ vào năm 1949. Nhưng cái tên Ponzi đã trở nên quen thuộc trên thế giới. Hàng ngàn người lừa đảo đã áp dụng chiêu lừa “đa cấp” của Ponzi. Người thực hiện vụ lừa đảo kiểu Ponzi lớn nhất từ trước đến nay là nhà đầu tư New York Bernard Madoff, đã gây thiệt hại tới 60 tỉ USD cho các nhà đầu tư.

Theo Sơn Hà (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm