Ngày 29-11, ngày lịch sử của Palestine

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi yêu cầu nêu trên cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon từ tháng 9-2011.

Ngày 29-11 còn là một ngày đặc biệt bởi vào ngày này năm 1947, Đại hội đồng LHQ đã thông qua kế hoạch phân chia vùng đất Palestine ủy trị của Anh với mục tiêu thành lập một quốc gia Do Thái và một quốc gia Ả Rập.

Mỹ cũng như đồng minh Israel kiên quyết phản đối trao cho Palestine quy chế nhà nước quan sát viên không thành viên và cho rằng một quốc gia Palestine chỉ có thể sinh ra từ đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel. Khổ nỗi đàm phán đã bế tắc từ hai năm nay rồi!

Một ngày trước khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục nhấn mạnh con đường dẫn đến giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel chỉ có thể qua Jerusalem và Ramallah chứ không phải qua New York.

Các nước châu Âu tỏ ra chia rẽ trong vấn đề trao cho Palestine quy chế nhà nước quan sát viên không thành viên của LHQ. Trong khi đó, Palestine đoan chắc sẽ thành công. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Malki cho biết dự thảo nghị quyết trao quy chế nhà nước quan sát viên không thành viên của LHQ cho Palestine nhân danh khoảng 60 nước chứ không riêng chỉ Palestine. Sát giờ bỏ phiếu, ông tuyên bố đã có khoảng 100 nước ủng hộ.

Quyết định trao quy chế nhà nước quan sát viên không thành viên của LHQ cho Palestine là thắng lợi ngoại giao lớn của Palestine, tuy nhiên Palestine sẽ phải trả giá đắt về tài chính.

Hồi đầu tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ dọa nếu Palestine được trao quy chế nêu trên, Quốc hội Mỹ chưa chắc đã thông qua khoản viện trợ 200 triệu USD cho Palestine.

Israel tuyên bố sẽ trả đũa bằng hàng loạt giải pháp như giữ lại một phần tiền thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng hóa của người Palestine quá cảnh qua cửa khẩu Israel để trừ nợ của Palestine, cắt giảm số giấy phép lao động dành cho lao động Palestine, giảm chỉ tiêu nước cung cấp, xem xét lại giấy phép lưu thông cho các VIP Palestine.

Đặc biệt Israel khẳng định sẽ không hủy bỏ bất kỳ hiệp định nào đã ký kết với Palestine, đặc biệt là các hiệp định kinh tế và thậm chí sẽ hủy bỏ hiệp định hòa bình Oslo năm 1993. Bộ Ngoại giao Israel viện lý do Palestine đã vi phạm rõ ràng cam kết rằng chỉ giải quyết xung đột thông qua đàm phán và không thực hiện các biện pháp đơn phương.

Đối với nội bộ Palestine, quyết định trao quy chế nhà nước quan sát viên không thành viên của LHQ cho Palestine còn thể hiện thái độ nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với Tổng thống Mahmoud Abbas và đảng Fatah trong bối cảnh phong trào Hamas ở dải Gaza tìm mọi cách thể hiện rằng chỉ có Hamas là đại diện duy nhất của cuộc kháng chiến chống Israel.

H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm