Nga sẽ tăng cường phòng thủ trên vũ trụ

Ông Putin nói: "Theo kế hoạch phát triển và tái cấu trúc ba lực lượng vũ trang, đương nhiên sự quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho lực lượng răn đe hạt nhân, khả năng phòng thủ trên vũ trụ và phòng không".

Nga sẽ tăng cường phòng thủ trên vũ trụ ảnh 1

Trình diễn hệ thống phòng không S-400 Triumph nhân Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2009 tại Mátxcơva. Ảnh: Mosnews.com

Thủ tướng Putin cũng cho rằng, từ nay đến năm 2015, vũ khí hiện đại phải chiếm 30% trong kho vũ khí của quân đội Nga, và con số đó phải đạt 70% vào năm 2020. Ông Putin nhấn mạnh, quân đội Nga cần phải có các thiết bị thông tin liên lạc công nghệ cao và Nga cần hoàn tất việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trước đó, Nga đã gần như đạt được thỏa thuận mua chiến hạm Mistral của Pháp sau khi Pari thông báo phê chuẩn việc bán cho Mátxcơva loại chiến hạm đổ bộ dành cho máy bay trực thăng này. Nếu được kí kết, hợp đồng mua tàu Mistral giữa Nga và Pháp sẽ là một sự kiện trên thị trường vũ khí thế giới và chắc chắn sẽ giúp tăng cường quan hệ cả về quân sự lẫn chính trị giữa Nga và Pháp.

Theo RIA Novosti, tuyên bố trên của Thủ tướng Putin được đưa ra nhằm thực thi học thuyết quân sự mới của Điện Cremli, vốn được công bố cách đây ít ngày và sẽ được áp dụng trong giai đoạn 2011 - 2020. Học thuyết quân sự mới của Nga đã được Tổng thống Métvêđép phê chuẩn và công bố đúng dịp khi Rumani chấp thuận kế hoạch lắp đặt hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ Rumani từ năm 2015. Đối với Oasinhtơn, việc chuyển hệ thống này từ Bắc Âu xuống Đông Nam Âu không phải là nước cờ tồi. Bất chấp việc Tổng thống Rumani Basescu cam đoan với Nga rằng, các tên lửa này “không chĩa vào nước Nga” nhưng Mỹ có thể tìm thấy ở Rumani một lợi thế về địa chính trị khi quốc gia này nằm giữa ngã ba châu Âu, theo ngả Bancăng, Cápcadơ và Trung Âu, đe dọa trực tiếp sườn tây nam của Nga.

Mátxcơva hiểu động thái ấy theo cách Mỹ muốn sử dụng hệ thống tên lửa đánh chặn để đặt Nga vào mối uy hiếp thường xuyên ở một trong những khu vực có ý nghĩa quan trọng nhất của họ, đồng thời thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới, buộc Nga phải đề phòng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra nếu bị tấn công. Điều đó khiến Nga củng cố học thuyết về việc đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân một khi sự tồn tại của Nga bị đe dọa.

Việc Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở Rumani có thể gây ảnh hưởng tới quá trình thương lượng về Hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-1) đã hết hiệu lực từ ngày 5-12-2009. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov, cho biết Hiệp ước START mới đã hoàn thành được 97%. Tuy nhiên, cuộc thương lượng về những vấn đề còn lại mang tính kĩ thuật đang bị ảnh hưởng bởi chính kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

Theo Kim Oanh (QĐND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm