Mỹ-Trung cạnh tranh có dẫn tới chiến tranh?

GS Amitai Etzioni tại ĐH George Washington (Mỹ) đã tóm tắt quan điểm của GS John J. Mearsheimer trong bài viết trên tạp chí The Diplomat(Nhật) như sau: Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế và quân sự, khả năng xung đột vũ trang ở châu Á sẽ tăng lên khi các nước như Nhật và Mỹ đẩy mạnh nỗ lực an ninh.

Trong hơn 10 năm qua, GS John J. Mearsheimer vẫn khăng khăng bảo vệ lập luận rằng để thực hiện mục tiêu thống trị khu vực, Trung Quốc sẽ gia tăng tối đa sức mạnh quân sự với các nước láng giềng, nhất là đối với Ấn Độ, Nhật và Nga. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy hải quân Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương như trước đây Mỹ đã tống khứ các nước lớn châu Âu ra khỏi Tây bán cầu.

Ông nhận định vị thế anh cả trong khu vực sẽ bảo đảm cho Trung Quốc lợi thế tuyệt vời để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi và Trung Đông cũng như kiểm soát được các tuyến đường biển quan trọng, thậm chí có cơ hội phá đám quyền bá chủ của Mỹ ở Tây bán cầu. Ông nhận định động thái mà Mỹ cần thực hiện là hình thành liên minh cân bằng với các nước láng giềng của Trung Quốc, cụ thể là phối hợp và giúp đỡ các nước nhỏ gia tăng sức mạnh quân sự. Lập trường của Mỹ ủng hộ Nhật trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Ông bác bỏ luận điểm cho rằng sự hòa hợp theo Nho giáo hoặc phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ giảm nguy cơ xung đột. Cuối cùng ông đưa ra kết luận: Mỹ và Trung Quốc sẽ tham gia vào một cuộc cạnh tranh an ninh căng thẳng. Trả lời tạp chí
The Nikkei (Nhật), ông khẳng định: Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không có hòa bình. GS Amitai Etzioni nhận định có thể GS John J. Mearsheimer cũng sẽ đưa ra quan điểm ngược lại (không có chiến tranh Mỹ-Trung) vì các lý do sau đây:

- Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc đều có những vấn đề vô cùng cấp bách trong nước. Đó là kinh tế hai nước đều tăng trưởng chậm nên không thể gia tăng ngân sách quân sự.

- Thứ hai, một cuộc đối đầu quân sự sẽ gây nhiều tốn kém cho cả hai bên.

- Thứ ba như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger từng nói, Washington đã rơi vào thế bất lợi ở bốn trong năm cuộc chiến gần nhất mà Mỹ tham gia và Mỹ đang đối phó khó khăn với Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) nên không thể tập trung sức mạnh cho quân đội.

- Thứ tư (quan trọng nhất) là Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung và hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Đó là ngăn chặn phát triển hạt nhân, kiềm chế chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Hơn nữa hai nước có rất ít lý do thực sự để đối đầu nhau. GS Amitai Etzioni kết luận “thuyết khiêu khích” của GS John J. Mearsheimer có tác dụng như lời cảnh báo mà thôi.

NHẬT VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm