Mùa đông Ả Rập tràn về Mỹ?

Một thực tế không thể chối cãi như hãng tin AP ghi nhận là biểu tình chống Mỹ lại diễn ra dữ dội nhất ở các nước Mỹ đã từng bỏ công sức thúc đẩy cải cách dân chủ như Ai Cập, Yemen, Tunisia. Đặc biệt tại Libya, Mỹ từng sử dụng giải pháp quân sự để lật đổ chế độ và giờ phải chịu mất mát thêm đại sứ Christopher Stevens cùng ba nhân viên.

Phong trào mùa xuân Ả Rập bùng nổ cách đây 20 tháng (tháng 1-2011) nhưng đến nay vẫn còn gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Một bên hoan nghênh đây là chiến thắng của tự do. Bên còn lại chỉ trích Tổng thống Obama đã từ bỏ mối quan hệ truyền thống với các nhà lãnh đạo Ả Rập.

Đến khi làn sóng biểu tình chống Mỹ ở thế giới Hồi giáo mới bùng nổ, một câu hỏi lại được đặt ra: Cải cách dân chủ như Mỹ mong muốn nhưng đi đôi với bất ổn có mang lại điều gì tốt đẹp cho thế giới Hồi giáo và quyền lợi Mỹ?

Ngày 14-9, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định việc hợp tác với chính phủ các nước Ả Rập sau giai đoạn chuyển tiếp lên dân chủ nhằm tăng cường quyền lợi an ninh cho Mỹ. Thực tế hoàn toàn trái ngược.

Quan hệ Mỹ-Ai Cập xấu đi rất nhiều từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Thậm chí ngày 12-9 mới đây, Tổng thống Obama còn tuyên bố Mỹ không cần thiết phải xem Ai Cập là đồng minh. Tại Yemen, một năm sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh ra đi, Al Qaeda ngày càng mạnh. Tại Libya, chế độ mới thân Mỹ cầm quyền ngày đêm chật vật với các tổ chức vũ trang ngoài tầm kiểm soát.

Chuyên gia Haim Malka ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định mùa xuân Ả Rập đã tạo thêm nhiều lực lượng chống Mỹ. Chuyên gia Andrew Tabler tại Viện Chính sách Trung Đông ghi nhận chính phủ mới ở các nước Trung Đông khó thương lượng với Mỹ hơn chế độ cũ.

Các cuộc biểu tình chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo hiện nay đã khiến nhiều chuyên gia về chính sách ngoại giao Mỹ, đặc biệt là các chuyên gia bảo thủ từng là quan chức dưới thời Tổng thống Bush, đặt câu hỏi liệu Mỹ có khôn ngoan khi đứng về phía những người biểu tình trong mùa xuân Ả Rập.

Câu hỏi này đã xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Trong vận động tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã thề nỗ lực bảo đảm “mùa xuân Ả Rập sẽ không kéo theo mùa đông Ả Rập”.

Theo chuyên gia Robert Danin tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), làn sóng chống Mỹ hiện tại ở thế giới Hồi giáo là phép thử tâm lý cho hai luồng suy nghĩ trái ngược. Một bộ phận sẽ nhận thấy Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Dù vậy, một bộ phận lớn còn lại nghĩ rằng đây là thời điểm Mỹ nên giảm sự hiện diện ở khu vực rắc rối này.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm