Lực lượng đặc nhiệm quá kém trong vụ giải cứu con tin tại Philippines

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III sẽ cử đặc sứ đến Bắc Kinh để gửi báo cáo về vụ giải cứu con tin tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trước khi đến Hongkong cung cấp thông tin về vụ việc này với nhà cầm quyền tại đây. Được biết, Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay và Ngoại trưởng Alberto Romulo sẽ tới Bắc Kinh ngay sau khi cuộc điều tra kết thúc.

Lực lượng đặc nhiệm quá kém trong vụ giải cứu con tin tại Philippines ảnh 1

Rolando Mendoza khi bị tiêu diệt

Từ những tổn thất

Chiều 25/8/2010, di hài của 8 du khách Hongkong bị thiệt mạng trong vụ bắt cóc 25 con tin tại Philippines hôm 23/8 cùng những người sống sót đã được đưa về Hongkong trên chuyến máy bay mang số hiệu CX2903 của Hãng Hàng không Cathay Pacific. Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm và chia buồn tại sân bay, Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) đã yêu cầu Chính phủ Philippines nhanh chóng cung cấp kết quả điều tra chi tiết vụ bắt cóc và giải cứu con tin. Hiện vẫn còn 2 người bị thương nặng đang phải điều trị ở Philippines, không thể về cùng chuyến bay kể trên.

Tuy Chính phủ Philippines đã hỗ trợ đầy đủ cho các nạn nhân và gia đình họ, bao gồm chi phí hồi hương, viện phí, tiền khách sạn, tư vấn tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ bắt cóc con tin, nhưng hậu quả nặng nề của vấn đề này sẽ đeo bám họ trong một thời gian khá dài.

Mặc dù 4 sĩ quan cảnh sát đã bị đình chỉ công tác vì liên quan đến việc giải quyết vụ bắt cóc con tin diễn ra đúng ngày Philippines để quốc tang 8 du khách Hongkong hôm 25/8, nhưng điều này vẫn chưa khiến Chính phủ Trung Quốc và nhà cầm quyền Hongkong nguôi giận. Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Agrimero Cruz cho biết, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm không được huấn luyện để đối phó với trường hợp giải cứu con tin. Ông Rodolfo Magtibay, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Manila đã đệ đơn từ chức tạm thời để phục vụ công tác điều tra. 200 lính đặc nhiệm cũng được lệnh cởi bỏ vũ khí để kiểm tra đạn dược.

Lực lượng đặc nhiệm quá kém trong vụ giải cứu con tin tại Philippines ảnh 2

Rolando Mendoza khi tiến hành đàm phán

Vụ tắm máu con tin đã và đang gây tổn hại tới hình ảnh và ngành du lịch của Philippines. Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ bắt cóc và khuyến cáo khách du lịch nước này thận trọng khi định đến Philippines. Tất cả các công ty du lịch Hongkong cũng khuyến cáo khách hàng chọn điểm đến khác và liệt Philippines vào "danh sách đen". Thậm chí kêu gọi du khách Hongkong đang có mặt tại Philippines trở về nhà sớm nhất có thể. Động thái trên đã khiến Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Nga và một số quốc gia khác cũng đưa ra khuyến cáo đối với công dân họ: không nên đi du lịch tại Philippines.

Bộ trưởng Du lịch Philippines Alberto Lim cho biết, ít nhất trong thời gian trước mắt vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp du lịch, do đó cần phải giải quyết nhanh chóng để không ảnh hưởng xấu.

Ông Tăng Âm Quyền cho biết, đã nhiều lần liên lạc với Tổng thống Benigno Aquino III ngay sau khi nhận được kết quả vụ giải cứu con tin tối 23/8, nhưng bất thành. Ông Tăng Âm Quyền tuyên bố, thất vọng về cách thức xử lý, đặc biệt là về hậu quả của vụ việc, đồng thời nêu câu hỏi: Có nên để xảy ra nổ súng trên chiếc xe buýt chở các du khách hay không? Gia đình các nạn nhân đều cho rằng, Cảnh sát Philippines dùng vũ lực là không cần thiết.

Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội Philippines Corazon Solimon cũng nhấn mạnh, toàn bộ sự việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng, cẩn trọng - thi hài của tất cả các nạn nhân đều được khám nghiệm. Vì xung quanh chiếc xe buýt có nhiều vết đạn nên cơ quan chức năng Philippines đang tiến hành khám nghiệm và sẽ có thông báo về vấn đề này. Việc này càng phải làm cẩn trọng bởi có dư luận cho rằng, con tin có thể đã bị chết bởi "đạn lạc".

Rolando Mendoza từng là một trong 10 sĩ quan cảnh sát xuất sắc nhất Philippines năm 1986. Nhưng 22 năm sau (2008), Rolando Mendoza đã trở thành 1 trong số 5 cảnh sát bị buộc tội cướp, tống tiền và đe dọa sau khi một chủ khách sạn tại Manila viết đơn tố cáo ông sử dụng ma túy để tống tiền. Giới bình luận cho rằng, qua vụ bắt cóc con tin cũng cho thấy một thực tế, tình hình an ninh tại Philippines nói chung và thủ đô Manila nói riêng khá bất ổn. Vì được truyền hình trực tiếp nên người dân trên khắp thế giới đã theo dõi và không chỉ giới truyền thông Trung Quốc, Hongkong, mà nhiều hãng tin lớn trên thế giới đều đưa về những sai lầm "không thể chấp nhận" của lực lượng đặc nhiệm Philippines. Nhiều người coi đây là cách xử lý vụng về của lính nghiệp dư, chứ không phải lực lượng đặc nhiệm.

...đến những sai lầm nghiêm trọng

Ngày 25/8, Bộ trưởng Nội vụ Philippines Jesse Robredo đã thừa nhận những yếu kém của lực lượng đặc nhiệm trong việc giải quyết vụ bắt cóc con tin - không được đào tạo thỏa đáng và trang bị đầy đủ các phương tiện để tác chiến. Cảnh sát trưởng Manila (Tư lệnh Cảnh sát Manila) Leocadio Santiago cũng thừa nhận: Chúng tôi đã nhận thấy rõ ràng một số sai sót về nghiệp vụ, về chiến thuật cũng như tiến trình giải cứu con tin. Nhưng cách giải thích này không nhận được sự đồng tình của dư luận và giới chuyên môn.

Trong tuyên bố hôm 25/8, Cảnh sát Philippines cũng liệt kê một loạt yếu kém và bài học kinh nghiệm sau vụ giải cứu con tin. Thứ nhất, yếu kém trong quá trình đàm phán với kẻ bắt cóc. Thứ hai, không đủ năng lực, kỹ năng trong lập kế hoạch tấn công, thiếu trang thiết bị. Thứ ba, không biết cách kiểm soát đám đông. Thứ tư, không được đào tạo bài bản và chỉ đạo kém. Thứ năm, không tuân thủ các thủ tục truyền thông trong tình huống bắt cóc con tin.

Những thừa nhận của Cảnh sát Philippines cũng tương tự với nhận xét của ông Charles Shoebridge, chuyên gia phân tích an ninh làm việc trong lĩnh vực chống khủng bố của quân đội Anh. Thứ nhất, thiếu sự quyết đoán. Thứ hai, thiếu trang thiết bị - mất nhiều thời gian để đập cửa sổ trong khi có loại thuốc nổ phá được cửa kính và cửa ra vào ngay tức thì. Thứ ba, thiếu khả năng tước súng của kẻ bắt cóc. Thứ tư, bỏ lỡ cơ hội bắn hạ hung thủ. Thứ năm, không sớm thỏa mãn yêu cầu của hung thủ. Thứ sáu, truyền hình trực tiếp - đây là lỗi vô cùng lớn của cảnh sát. Thứ bảy, không có yếu tố bất ngờ. Thứ tám, cho phép dân chúng tiếp cận hiện trường quá gần - 1 người đã bị bắn. Thứ chín, dùng anh trai của sát thủ để đàm phán. Thứ mười, thiếu đào tạo, huấn luyện và tập huấn chuyên nghiệp.

Lực lượng đặc nhiệm quá kém trong vụ giải cứu con tin tại Philippines ảnh 3

Sai lầm khi tiến hành tiêu diệt Rolando Mendoza

Một số người thậm chí còn thẳng thắn tuyên bố, tại sao có bao nhiêu cơ hội để bắn hạ hung thủ, nhưng người ta không khai hỏa. Tuy hung thủ nguyên là thanh tra cảnh sát cấp cao Rolando Mendoza, nhưng điều đó cũng không thể giải thích cho việc lính đặc nhiệm phải mất quá nhiều thời gian để tấn công giải cứu được con tin. Trước khi bắn con tin, Rolando Mendoza nhiều lần xuất hiện ở cửa sổ, thậm chí mở cửa trước của xe buýt để nói chuyện với "thuyết khách". Những "thuyết khách" này hoàn toàn có thể hạ gục Rolando Mendoza khi đàm phán với hắn tại cửa trước của xe buýt, nhưng người ta đã bỏ lỡ cơ hội này.

Tổng thống Benigno Aquino III chính thức tuyên bố: thảm kịch kể trên đã phơi bày nhiều điểm yếu về khả năng của lực lượng an ninh Philippines trong việc giải quyết các tình huống bắt cóc con tin. Tổng thống Benigno Aquino III đã ra lệnh điều tra toàn diện vụ này và sẽ thông tin đầy đủ cho nhà chức trách Hongkong. Nhưng ông Benigno Aquino III cũng cho biết, cảnh sát đã kiên nhẫn - chờ hơn 10 tiếng đồng hồ để thuyết phục hung thủ buông súng, thả con tin và chỉ tấn công sau khi Rolando Mendoza bắn giết con tin.

Tổng thống Benigno Aquino III đã chỉ trích cách thức đưa tin của giới truyền thông xung quanh vụ bắt cóc con tin - Rolando Mendoza được quyền nói trên sóng phát thanh và theo dõi trực tiếp truyền hình qua hệ thống tivi trên xe buýt. Thậm chí hắn còn đe dọa giết con tin, nếu cảnh sát không rút lui.

Tờ Philippines Daily Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Jesse Robredo, theo đó một trong những nguyên nhân khiến cho vụ giải cứu bất thành bởi giới truyền thông đã truyền hình trực tiếp. Ông Jesse Robredo cho rằng, vụ bắt cóc con tin đáng lẽ đã được giải quyết tốt hơn, không có kết cục bi thảm nếu giới truyền thông không phát đi các bản tin truyền hình trực tiếp. Bộ trưởng Nội vụ Jesse Robredo tiết lộ, cảnh sát đã hoàn toàn kiểm soát được tình thế và Rolando Mendoza đã lên kế hoạch đầu hàng vào lúc 15h ngày 23/8 (theo giờ địa phương) nếu các yêu sách của ông ta được chấp thuận - phục hồi chức vụ cũ và không truy cứu những tội trạng trước đây. Ông Jesse Robredo cho biết, tình hình đột nhiên thay đổi khi người anh trai của Rolando Mendoza là Gregorio Mendoza cố gắng can thiệp vào các cuộc đàm phán.

Bộ trưởng Nội vụ Jesse Robredo khẳng định, 2 tiếng súng trong xe buýt vào lúc 19h21', tiếp đó là một loạt tiếng súng khác đã buộc lính đặc nhiệm phải tấn công (hồi 19h37'), đặc biệt sau khi nghe tiếng kêu của tài xế Alberto Lubang đào tẩu thành công cho dù bị còng tay vào vô lăng - Rolando Mendoza đã bắn chết tất cả các con tin. Nhưng kể từ khi tấn công đến lúc bắn hạ Rolando Mendoza, lính đặc nhiệm mất tới hơn 1 tiếng đồng hồ: từ 19h37' đến 20h43'.

Theo Phạm Thị An - Trịnh Phương Anh (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm