Khó chặt vòi bạch tuộc

Trong bản báo cáo được công bố hôm 5-4, GFI cho biết trong 4 thập niên qua, các quan chức tham nhũng tại châu Phi đã chuyển bất hợp pháp hơn 2,7 nghìn tỷ USD sang các thể chế tài chính phương Tây. Như vậy từ năm 1970 đến cuối năm 2008, mỗi người dân châu Phi đã bị tước đoạt trung bình 989 USD. Theo GFI, các khoản thu lời bất chính do trốn thuế hoặc lạm quyền để định giá tài sản quá thấp chiếm từ 60%-65%, trong khi tiền từ buôn bán ma túy, gian lận và in tiền giả chiếm từ 30%-35% tổng số tiền tham nhũng trên toàn cầu. Riêng ở châu Phi, tỷ lệ này luôn cao hơn mức trung bình của thế giới.

Khó chặt vòi bạch tuộc ảnh 1

Tham nhũng đang làm tình trạng nghèo đói ở châu Phi trầm trọng thêm

Châu Phi với diện tích 31 triệu km2, dân số khoảng 800 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng chiếm 97% trữ lượng crôm, 67% trữ lượng vàng, 5% măng-gan, 70% ca cao của thế giới. Đất đai châu Phi phì nhiêu, chiếm 15% diện tích canh tác của thế giới. Lục địa này được xem là kho dự trữ hàng đầu và độc nhất về nguyên liệu thô. Thực tế, châu Phi hiện đóng một vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu và là nơi nhiều nước và nhiều tập đoàn đa quốc gia đang nhòm ngó. Tiềm năng của châu lục này thật khó có thể tính hết.

Nhưng nghịch lý là ở chỗ nói đến châu Phi là người ta hình dung ra cảnh nghèo đói. Tại hội nghị thường niên của Liên minh châu Phi (AU) diễn ra hồi đầu năm 2010, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) R. Zoellick đã cảnh báo rằng, hàng triệu người tại Lục địa đen và nhiều nơi khác trên thế giới sẽ rơi vào đói nghèo trong năm nay, bất chấp kinh tế thế giới đang phục hồi sau “cơn bão” khủng hoảng tài chính.

Có điều lâu nay, mỗi khi đi tìm lời giải thích cho thực trạng nghèo nàn, lạc hậu, đói kém triền miên của châu Phi, người ta thường nhắc tới các nhân tố như chiến tranh, xung đột sắc tộc, bệnh dịch hoành hành. Báo cáo của GFI đã làm lộ ra một nguyên nhân quan trọng khác là những chiếc vòi bạch tuộc tham lam đang cướp đi các nguồn lực khổng lồ của châu Phi. Theo GFI, tình trạng này đã làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ quốc gia, đẩy lạm phát lên mức chóng mặt, giảm mạnh nguồn thu từ thuế, làm nản lòng các nhà đầu tư và phá hoại nền thương mại của các quốc gia châu Phi. Nó tác động đến những người có thu nhập thấp, triệt tiêu các nguồn tài chính xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.

Không những thế, số tiền tham nhũng ở châu Phi được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thế mới biết quy mô thực của nạn tham nhũng ở châu Phi nghiêm trọng đến mức nào. Châu Phi sẽ không thể có tương lai nếu những chiếc vòi bạch tuộc tham lam và nguy hiểm này không bị chặt đứt.

Theo Hoàng Sơn (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm