Iran - tâm điểm sôi động trong tuần

Thật ra đây chỉ là thủ tục bởi năm nước thường trực Hội đồng Bảo an đều thuộc nhóm P5+1 (có thêm Đức) là các nước cùng Iran ký kết thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran hôm 14-7 tại Vienna (Áo).

Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ mang tính chất phê chuẩn thỏa thuận Vienna, yêu cầu các nước thành viên LHQ hỗ trợ thực hiện thỏa thuận và trao cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm vụ giám sát thỏa thuận.

Một khi IAEA xác nhận chương trình hạt nhân Iran đã hoàn toàn mang tính chất hòa bình, bảy nghị quyết của LHQ về cấm vận Iran từ năm 2006 đến nay (các nghị quyết 1696, 1737, 1747, 1803, 1835, 1929 và 2224) sẽ được hủy bỏ.

Thỏa thuận Vienna cũng quy định Mỹ và châu Âu sẽ từng bước hủy bỏ cấm vận đối với Iran. Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao đã chính thức trao cho Quốc hội toàn văn thỏa thuận Vienna để hai viện bỏ phiếu trong 60 ngày kể từ ngày 20-7.

Trên đài truyền hình CBS (Mỹ) ngày 19-7, Ngoại trưởng John Kerry đã nỗ lực bênh vực thỏa thuận Vienna “mở đường cho các cuộc thanh sát chưa từng có, tiếp cận chưa từng có và những ràng buộc chưa từng có về chương trình hạt nhân Iran”. Giữa tuần này ông sẽ phải điều trần để thuyết phục Thượng viện phê chuẩn thỏa thuận.

Ngược lại, cũng trên đài CBS, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục chỉ trích thỏa thuận Vienna là thỏa thuận tệ hại. Ông nhấn mạnh Iran không thể có một hay hai quả bom nguyên tử trong vài năm tới nhưng sẽ có nhiều bom hơn trong một thập niên nữa.

Cùng ngày 19-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên đường sang Trung Đông vừa để thuyết phục Israel dịu giọng vừa nhằm trấn an các đồng minh Trung Đông. Trước khi lên đường ông đã ve vãn: Dù có thỏa thuận Vienna thì Lầu Năm Góc vẫn duy trì giải pháp quân sự để ngăn cản Iran chế tạo bom nguyên tử.

Ông cam kết Mỹ sẽ tiếp tục đào sâu hợp tác quân sự với các đồng minh truyền thống như Israel hay Saudi Arabia vì ngoài hành động gây hấn của Iran thì còn nhiều vấn đề khác như chống khủng bố (đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo), lực lượng đặc nhiệm, an ninh hàng hải, phòng thủ chống tên lửa và phòng không tích hợp, an ninh mạng.

Trong khi đó các nước lo đấu khẩu, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã dẫn đầu phái đoàn các doanh nghiệp lên đường sang Iran và trở thành quan chức phương Tây đầu tiên đến Iran sau khi có thỏa thuận Vienna. Một mặt Đức muốn củng cố quan hệ với Israel nhưng mặt khác khát khao giành thị phần Iran. Vì lẽ đó, ông Sigmar Gabriel đã đề nghị Đức sẽ đứng ra làm trung gian giữa Iran và Israel.

Liên minh Các phòng thương mại Đức đã dự báo kim ngạch xuất khẩu Đức sang Iran có thể tăng gấp đôi để đạt 5 tỉ euro chỉ trong hai năm. Các tập đoàn lớn như Volkswagen hay Siemens cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức đang hy vọng sẽ bán hàng ở Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm