Chiến thuật “dĩ dật đãi lao” của Trung Quốc

Trong bài viết với tựa đề “Hải quân Trung Quốc tìm cách bào mòn tàu Nhật ở vùng biển tranh chấp”, hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật này đối với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hiện thời tàu hải quân và tàu bán dân sự Trung Quốc liên tục quần thảo quanh Senkaku/Điếu Ngư nhằm vắt kiệt sức cơ quan tuần duyên Nhật. Cơ quan này với quân số ít nhưng ngày nào cũng căng lực lượng để theo dõi tàu Trung Quốc.

Từ tháng 9-2012 đến nay, các tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc đã 32 lần xâm nhập lãnh hải Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư. Đại tá tình báo hải quân Mỹ James Fanell nhận định cơ quan hải giám Trung Quốc thực chất là một tổ chức quấy rối chủ quyền hàng hải.

Ngày nào báo chí Trung Quốc cũng phát các bản tin như tập trận hải quân, triển khai tàu đến biển Hoa Đông, đưa vào sử dụng tàu chiến mới. Các bài xã luận ra rả kêu gọi kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Tin tức như vậy có giá trị tăng cường tuyên truyền trong nước vì muốn chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ.

Chuyên gia James Holmes ở ĐH Chiến tranh hải quân (Mỹ) nhận định mục đích của việc làm trên nhằm vắt kiệt sức hải quân và cơ quan tuần duyên Nhật. Ông cho rằng về lâu dài, nếu Nhật vì mệt mỏi không đáp trả, Trung Quốc xem như đã thiết lập chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

GS Ross Babbage, Giám đốc tổ chức Chiến lược quốc tế (Úc), nhận định tình hình ở Senkaku/Điếu Ngư cực kỳ nguy hiểm và lẽ ra Trung Quốc và Nhật đã có thể bước vào một cuộc chiến nghiêm trọng.

GS Yoshihiko Yamada ở ĐH Tokai (Nhật) ghi nhận Trung Quốc tập trung các nguồn lực ở biển Đông vốn được ưu tiên hơn, tuy nhiên nếu họ chuyển thêm nguồn lực về biển Hoa Đông, một mình cơ quan tuần duyên Nhật sẽ không thể kiểm soát tình hình.

Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ quan tuần duyên Nhật đã cảm thấy bị Trung Quốc gây sức ép. Do đó, cơ quan tuần duyên Nhật đã thành lập đơn vị tuần tra đặc biệt ở Senkaku/Điếu Ngư với quân số 600 người và 12 tàu tuần tra. Cơ quan này cũng đã tăng ngân sách mua tàu và máy bay thêm 23% (tổng cộng 348,15 triệu USD) trong năm tài chính 2013. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đã dự tính chuyển các tàu hải quân cũ cho cơ quan tuần duyên Nhật.

Các chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh đang quyết tâm tăng cường hoạt động chống Nhật trên biển Hoa Đông vì Trung Quốc nhận thấy các cuộc đối đầu với các nước nhỏ hơn ở biển Đông trong những năm gần đây chỉ gây phản ứng ngoại giao bất lợi.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm