Chiến hạm đổ bộ Mistral

Không phải ngẫu nhiên mà một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhất nhì thế giới như Nga lại móc hầu bao để mua khí tài từ một thành viên Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngay từ khi hạ thủy vào năm 2004, Mistral đã được coi là một trong những niềm tự hào trên đại dương của Pháp. "Con dao đa năng" này có trọng tải 21.300 tấn, dài 210m, rộng 30m, vận tốc tối đa 19 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hệ thống thông tin cấp độ cao, có khả năng chở 450 quân đổ bộ với đầy đủ vũ khí và đạn dược trong thời gian dài hoặc 900 quân đổ bộ trong thời gian ngắn.

Chiến hạm đổ bộ Mistral ảnh 1

Chiến hạm đổ bộ Mistral và tàu hệ thống trên Đại Tây Dương

Ngoài ra, Mistral còn chở được 16 máy bay lên thẳng, trong đó 6 máy bay có thể cùng lúc cất cánh. Tàu còn có thể chở hơn 40 xe tăng hoặc 70 xe cơ giới. Trong trường hợp khẩn cấp, tàu Mistral có thể chở được 1/3 lực lượng và khí tài của một trung đoàn cơ giới.

Điểm đặc biệt là chiến hạm khổng lồ này có khả năng neo ở vùng nước nông, rồi từ đó triển khai binh lính lên đất liền. Đây là loại tàu chiến lớn thứ 2 trong Hải quân Pháp, chỉ thua hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle. Công trình hiện đại này là sản phẩm liên doanh giữa hai tập đoàn sản xuất vũ khí Thales - Chantiers de l'Atlantique và được đóng tại hai nhà máy của Pháp là Arsenal de Brest và Chantiers de Saint-Nazaire. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sở hữu một chiến hạm tầm cỡ như Mistral là đã có trong tay một công cụ chiến tranh hết sức lợi hại. Hiện Hải quân Pháp được trang bị hai tàu lớp Mistral.

Thương vụ tàu Mistral là hợp đồng quân sự lớn đầu tiên giữa Nga và NATO. Nó thể hiện quyết tâm của Mátxcơva trong việc hiện đại hóa hải quân, lực lượng đang phải ứng dụng những công nghệ có từ thời Liên Xô (cũ). Ngoài ra, chiến hạm này còn giúp Nga tăng khả năng triển khai quân đội ra nước ngoài hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn.

Mới đây, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Nicôlai Macarốp tiết lộ việc thương lượng để mua tàu Mistral của Pháp nhằm tăng cường cho Hạm đội Biển Đen và được sử dụng chủ yếu như một tàu chỉ huy đổ bộ. Ngoài một chiếc sẽ mua đứt, Mátxcơva sẽ hợp tác với Pháp sản xuất tại Nga khoảng 4-5 tàu kiểu này. Phía Nga đưa ra yêu cầu tàu Mistral phải hoạt động được trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Tất cả các hệ thống chiến đấu, thông tin, vũ khí và máy bay trang bị trên tàu này đều phải do Nga sản xuất.

Được biết, trước khi hợp đồng được ký, tàu Mistral đã đến Xanh Pêtécbua để các chuyên gia kỹ thuật của Hải quân Nga tận mắt xem xét kỹ lưỡng các đặc tính của chiến hạm "siêu khủng" này.

Theo Quỳnh Chi (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm