Bê bối y tế tại Anh: “Bệnh viện Stafford kết nghĩa với địa ngục”!

Trong vòng 50 tháng từ tháng 1-2005 đến tháng 3-2009, khoảng 1.200 bệnh nhân tại BV Stafford đã chết do thiếu sự chăm sóc y tế đúng mức. Từ khi vụ việc bị tiết lộ vào năm 2009, đã có năm bản báo cáo được gửi đến cho chính phủ Anh, trong đó bản báo cáo cuối cùng là vào ngày 6-2-2013. Tất cả đã giúp phát hiện ra rằng BV Stafford là “bệnh viện tồi tệ nhất trong thời hiện đại”.

Cụ Bella tự ngã rồi… chết

NHS (National Health Service), hệ thống chăm sóc sức khỏe công của chính phủ Anh - nơi cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho tầng lớp nghèo, nơi từng là niềm tự hào của nước Anh - đã bị chỉ trích nặng nề. Bởi vì chính nơi đây đã chỉ đạo giảm chi ngân sách vô tội vạ.

Dựa vào sự chỉ đạo này, BV Stafford tung ra chiến dịch “cân bằng ngân sách” một cách khắc khổ: Quy định chỉ một điều dưỡng cho 20 bệnh nhân, sa thải 160 điều dưỡng, tuyển dụng những nhân viên y tế không qua đào tạo chính quy để chỉ phải trả mức lương thấp nhất.

Bệnh nhân đang nằm viện phải gánh chịu hậu quả từ việc “thắt lưng buộc bụng” đó. Cụ bà Bella Bailey, 86 tuổi, bị ngã đập đầu vào thành giường bằng kim loại, cụ kêu la đau đớn. Các điều dưỡng thay vì lo chăm sóc cụ, đã xem đó như chuyện “không có gì xảy ra”. Theo lời kể của Julie - con gái cụ thì các hộ lý sau đó đã day tay cụ và nói: “Này, này, không ai làm bà ngã đâu nhé. Tự bà chồm ra rồi té đấy nhé, đúng vậy không nào?”. Hai tuần sau, cụ Bella Bailey chết.

Trước đó, cô Julie Bailey đã vào bệnh viện chăm sóc mẹ suốt tám tuần liền. Julie mô tả BV Stafford này quả là một “địa ngục kinh hoàng”. Những tiếng kêu la của bệnh nhân không bao giờ được ai nghe đến. Vào ban đêm, nhiều bệnh nhân khát nước quá đã phải uống nước trong bình cắm hoa, đội ngũ chăm sóc viên đã dời chuông báo động ra khỏi tầm tay các bệnh nhân để họ khỏi phải bị quấy rầy. Có những bệnh nhân tâm thần lang thang ngoài hành lang, quậy phá khắp nơi cho đến khi có người mang cáng đến khiêng họ trở lại giường.

Bê bối y tế tại Anh: “Bệnh viện Stafford kết nghĩa với địa ngục”! ảnh 1

Bức họa châm biếm với nội dung: BV Stafford kết nghĩa với địa ngục.

Nhiều bệnh nhân đã sa sút thể trạng trầm trọng do thiếu thức ăn và nước uống, bởi vì bệnh viện không đủ người để giúp đưa thức ăn cho họ. Những lúc đó, Julie Bailey không dám than phiền gì, cô sợ rằng nếu làm vậy mẹ cô sẽ bị bỏ rơi tệ hại hơn nữa.

Chỉ sau khi mẹ cô mất, Julie Bailey quyết tâm tìm hiểu cho ra lẽ. Cô đã theo đuổi một cuộc đấu tranh dài năm năm, thành lập hội mang tên “Cure the NHS” nhằm tạo áp lực đối với việc công bố sự thật về hiện trạng chăm sóc bệnh nhân tại BV Stafford.

Hàng loạt bệnh nhân bị bỏ rơi

Julie Bailey đã nhanh chóng hiểu rằng có rất nhiều người từng là “nạn nhân” như cô khi phải chứng kiến cảnh người thân của mình bị bỏ rơi ngay trong bệnh viện.

Cũng tại BV Stafford, Kelsey Lintern đã mất nhiều người thân thuộc bốn thế hệ trong gia đình. Đứa con nhỏ của anh đã chết khi bác sĩ chẩn đoán là “sức khỏe bình thường” trong khi bé bị dị tật tim. Chị anh qua đời do bị ung thư được phát hiện quá trễ. Chú anh bị thủng ruột do sơ suất của bác sĩ khi mổ, ổ bụng đầy phân khi bệnh nhân qua đời. Bà của anh cũng đã chết do bị đói và mất nước.

Bà Ellen Linsten bị ung thư, đã được chuyển vào BV Stafford năm 2006 để được điều trị bằng liệu pháp vận động sau khi bà bị ngã. Nhưng bà đã gặp phải phòng ốc dơ bẩn, cửa sổ không đóng và hệ thống sưởi luôn bị hỏng. Sau này, cô con gái của bà đã kể lại cho các điều tra viên: “Mẹ tôi bị bỏ mặc trên tấm mền đầy phân và nước tiểu, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo rất lâu mới tìm được người đến thay mền cho bà. Nhưng họ đến lấy mền dơ ra rồi lại bỏ chúng ngay vào một chiếc giỏ tại đầu giường nằm của bệnh nhân”.

Trong những điều kiện mất vệ sinh như vậy, bà Ellen Linsten đã bị nhiễm hai loại vi khuẩn và chết sau đó bốn tháng. Tuy nhiên, bệnh viện đã báo cáo gian dối khi cho rằng bà Ellen chết do ung thư chứ không phải do bị nhiễm khuẩn trong suốt quá trình nằm viện.

Keo kiệt dẫn đến “xuống cấp”

Julie đã tích cực hỗ trợ cho luật sư Robert Francis để hoàn tất một bản báo cáo dài 1.782 trang, công bố vào ngày 6-2-2013. Bản báo cáo kết luận bằng một câu ngắn gọn về thái độ tắc trách của đội ngũ nhân viên y tế: “Bệnh viện đã đưa vấn đề chi tiêu tài chính lên ưu tiên hàng đầu”. Keo kiệt tiền bạc, thay vì quan tâm tới con người, đã là lý do dẫn tới sự xuống cấp trong chất lượng hoạt động y tế.

BV Stafford đã giảm thiểu đến mức tối đa số lượng bác sĩ và điều dưỡng viên khiến đội ngũ này bị quá tải trước hiện trạng bệnh tình của bệnh nhân. Thêm vào đó, ban lãnh đạo bệnh viện đã bỏ ngoài tai những phản ánh từ người nhà bệnh nhân, họ cũng từ chối lắng nghe những than phiền từ phía người bệnh.

Trớ trêu thay, lãnh đạo của hệ thống chăm sóc sức khỏe công của chính phủ Anh lại nghe theo ban lãnh đạo bệnh viện hơn là nghe những phản hồi từ các gia đình bệnh nhân.

“BV Stafford kết nghĩa với địa ngục” là tiêu đề nội dung của một bức họa châm biếm được đăng tải trên mạng.

Rất có thể bản báo cáo về BV Stafford chỉ là khởi đầu của vụ bê bối y tế tại nước Anh. Vào ngày 12-2-2013, chính phủ Anh đã thông báo sẽ cho mở một cuộc điều tra có liên quan đến 14 cơ sở y tế công khác nữa, nơi mà tỉ lệ tử vong của bệnh nhân cũng đang được đánh giá là “đáng nghi ngờ”.

Diễn biến vụ tai tiếng tại BV Stafford

Vụ việc khởi phát như thế nào?

Nằm trong chính sách cải cách hệ thống an sinh xã hội tại nước Anh, BV Stafford và nhiều bệnh viện khác đã không còn được hỗ trợ từ Bộ Y tế Anh nữa mà do quỹ “Mid Staffordshire NHS Hospital Trust” quản lý. Từ đó, bệnh viện buộc phải hoạt động như một doanh nghiệp, tức là phải đạt được các mục tiêu về tài chính dẫn đến nhiều khoản kinh phí bị cắt giảm và đưa đến hệ quả là bệnh nhân chỉ được chăm sóc ở mức tối thiểu.

Vụ bê bối đã được phát hiện như thế nào?

Năm 2007, “Healthcare Commission”, rồi sau đó là NHS đã xem xét sự việc kỹ lưỡng qua một cuộc điều tra đầu tiên. Theo ban lãnh đạo BV Stafford, tỉ lệ tử vong cao của bệnh nhân chỉ là do “sai sót về mặt tính toán”. Song lời giải thích này không làm hài lòng các gia đình bệnh nhân.

Julie Bailey đã khởi xướng một cao trào đấu tranh đòi công khai sự thật. Cuối cùng, đã có gần 200 nhân chứng, 900 nạn nhân và hơn 1 triệu trang chứng cứ được đưa ra ánh sáng.

Những “sai sót” nào từ BV Stafford bị chỉ trích?

Đầu tiên, đó là việc thiếu chăm sóc y tế. Nhiều bệnh nhân không bao giờ được cấp thuốc giảm đau, thậm chí chỉ là thuốc Paracetamol. Nhiều bệnh nhân không được tắm suốt một tháng liền. Thức ăn và nước uống luôn nằm ngoài tầm tay bệnh nhân. Nhiều người bệnh bị trả về nhà khi chưa khỏi bệnh, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải nhập viện trở lại với cùng một căn bệnh đó.

Kế đến, đó là việc thiếu vệ sinh. Bông băng đã qua sử dụng bị vứt khắp nơi trong bệnh viện. Gia đình bệnh nhân phải tự tay làm vệ sinh cho người thân. Đối với các bệnh nhân không thể đi lại được, họ bị bỏ mặc, tiểu tiện và đại tiện ngay trên giường hoặc bị bỏ quên hàng giờ trong nhà vệ sinh.

Cuối cùng, đội ngũ nhân viên y tế không đủ và không vững chuyên môn. Các bác sĩ trẻ non kinh nghiệm bị “bỏ rơi”, phải tự xoay xở trước các ca bệnh nặng, đưa đến nhiều chẩn đoán sai. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi trong thời gian dài do lịch mổ bị hủy vào giờ chót…

Đặc biệt, ban lãnh đạo BV Stafford luôn triệt hạ những ai có mầm mống chống đối hoặc đàn áp tinh thần những ai có ý phản kháng hoặc tiết lộ sự thật.

Những hậu quả từ vụ bê bối này?

NHS và các chính sách cải tổ quản lý y tế của cơ quan này bị chỉ trích, đặc biệt là hiện trạng bất cập giữa một bên là nguồn tài chính eo hẹp, bị cắt giảm và một bên là số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều.

TƯỜNG NGUYỄN (Tổng hợp từ Le Monde The Times)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.