NHẬT TUYÊN CHIẾN VỚI YAKUZA -

Bài 1: Triệt kế sinh nhai của yakuza

Gần đây, Tokyo là đơn vị cuối cùng trong số 47 địa phương của Nhật Bản đưa ra quy định trị những công ty giấm giúi làm ăn với yakuza nhằm triệt bỏ các băng đảng tội phạm này. Theo quy định trên toàn quốc, những công ty giúp yakuza kiếm tiền sẽ bị cảnh cáo và công bố tên nếu họ từ chối cắt đứt mối quan hệ phi pháp. Công ty tái phạm sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt lên đến 500.000 yen (khoảng 125 triệu đồng) và các thành viên lãnh đạo công ty có thể bị kết án tù giam một năm.

Phong tỏa hầu bao

Bài 1: Triệt kế sinh nhai của yakuza ảnh 1

Các thành viên băng Yamaguchi-gumi tại một lễ truy điệu năm 1988. Ảnh: AP

Theo cơ quan hành pháp, việc đưa ra quy định trên nhằm làm cho các doanh nghiệp thấy xấu hổ và quay lưng với giới tội phạm. “Yakuza sẽ khó kiếm tiền hơn” - ông của Akihiko Shiba, một cựu giám đốc cảnh sát, nói. “Trước kia cảnh sát chỉ tập trung vào các băng đảng nhưng phương pháp đấu tranh mới đang kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những người giúp đỡ các băng nhóm kiếm tiền”. Đặc biệt, đầu năm nay, cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức của chính quyền chuyển sang một phương pháp khác khi cơ quan cảnh sát quốc gia công bố một dự luật mới cho phép cảnh sát đẩy mạnh việc theo dõi các băng nhóm bạo lực nhất, được thực hiện biện pháp ưu tiên nếu cần thiết.

Trong một báo cáo cuối năm 2010, Văn phòng Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cảnh báo rằng một số công ty không nghĩ họ đang bắt tay với tầng lớp dưới đáy xã hội. “Khi các tập đoàn tội phạm ngày càng hoạt động rất tinh vi để kiếm những đồng tiền phi pháp trong những năm gần đây, các công ty vẫn vô tình làm ăn với chúng một cách tỉnh bơ” - báo cáo khẳng định. Cuối năm 2008, các công ty chứng khoán ở Tokyo, trong đó có Công ty Suruga, có thể thuê côn đồ yakuza đuổi người thuê nhà ra khỏi các tòa nhà mà họ muốn mua và chỉ người của yakuza bị bắt giữ. Các thành viên hội đồng quản trị Suruga, những người trả tiền thuê làm việc đó, không bị ảnh hưởng gì. Năm 2010, việc các thành viên yakuza đeo huy hiệu của tổ chức trên trang phục do Ý sản xuất và mang theo thẻ kinh doanh có logo là một điều rất đỗi bình thường. 

Mạng lưới 22 băng nhóm yakuza trên toàn nước Nhật từng chia thành các phe phái cạnh tranh vì tầm ảnh hưởng và sự giàu có. Giờ đây, họ phải suy nghĩ về các hoạt động của mình sau các vụ đàn áp thẳng tay vào các nguồn thu nhập truyền thống như mại dâm, cờ bạc, cho vay nặng lãi, buôn lậu ma túy. Khi cách hái tiền truyền thống gặp khó khăn, nhiều băng nhóm chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực thị trường chứng khoán, kiếm tiền thông qua các công ty đã gầy dựng trước đó. 

Từ năm 2009, Takaharu Ando, người ​​sau đó ngồi vào chiếc ghế cao nhất của cơ quan cảnh sát, đã tuyên chiến với yakuza, kết thúc một thời kỳ dài chịu đựng bọn tội phạm.

Bài 1: Triệt kế sinh nhai của yakuza ảnh 2

“Trưởng lão” Takayama Kiyoshi, phó tướng của băng Yamaguchi-gumi. Ảnh: GUARDIAN

Tẩy chay yakuza

Viễn cảnh bị xấu hổ trước công chúng cũng như mất khách hàng tiềm năng và các khoản vay ngân hàng khiến một số doanh nghiệp hợp pháp và các tổ chức cắt đứt quan hệ với yakuza. Cụ thể, các quy định pháp luật mới làm cho việc sử dụng yakuza của doanh nghiệp trở nên rất tốn kém. Cảnh sát sẽ cảnh báo các công ty dính líu với yakuza chấm dứt ngay mối quan hệ. Sau đó cảnh sát có thể công bố tên của công ty khiến cho họ bị xấu hổ trước công chúng.

Tuy nhiên, điều hệ trọng nhất mà công ty vi phạm phải đối mặt là tổn thất to lớn về tài chính. Theo quy định hiện thời, trong hợp đồng có tính tiêu chuẩn có điều khoản “nói không” với tội phạm có tổ chức, cả ngân hàng và bên vay phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ điều này. Nếu vi phạm, công ty sẽ bị xóa hết tài khoản có trong ngân hàng và tịch biên vốn liếng, cơ ngơi và xóa hết dữ liệu có trên thị trường chứng khoán.

Năm ngoái, Enryakuji, một ngôi chùa có uy tín gần Kyoto, cho biết sẽ không cho các thành viên của Yamaguchi-gumi, nhóm tội phạm lớn nhất Nhật Bản, đến lễ Phật tại chùa.

Thế giới giải trí xứ Phù Tang bị chấn động bởi những tiết lộ rằng một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành truyền hình Nhật Bản là ông Shinsuke Shimada có quan hệ với tội phạm có tổ chức. Ông Shimada từ chức ngay tức khắc, kéo theo việc các ủy viên hội đồng quản trị và xưởng phim truyền hình ở Kyoto thề tránh xa tội phạm. Một công ty chuyên in danh thiếp cho biết sẽ không nhận đơn đặt hàng từ các thành viên băng đảng.

Thái độ không dung thứ đối với giới xã hội đen ngày càng tăng, thể hiện rõ trong mấy vụ bê bối gần đây, trong đó một diễn viên hài truyền hình hàng đầu và võ sĩ sumo của quốc gia bị buộc phải cắt đứt quan hệ với các băng đảng.

Những người dân vô tội cũng có nguy cơ bị hủy hoại về sinh kế do vô tình cung cấp dịch vụ cho yakuza. Nhà văn Atsushi Mizoguchi, chuyên gia hàng đầu về tội phạm có tổ chức của Nhật Bản, nói: “Một số công ty đã bị nêu tên và xấu hổ. Họ có thể không được vay vốn ngân hàng hoặc những người cho vay hủy bỏ khoản cho vay hiện tại. Trong một vài trường hợp, họ thậm chí còn bị phá sản. Trước đây, cảnh sát là người chống yakuza, giờ đây người dân đóng vai trò chính trong cuộc chiến này”.

Không nhổ cỏ tận gốc

Bài 1: Triệt kế sinh nhai của yakuza ảnh 3

Kenichi Shinoda, thủ lĩnh băng Yamaguchi-gumi hiện nay. Ảnh: GETTY IMAGES

Yamaguchi-gumi, băng yakuza mạnh nhất Nhật Bản, không mỉa mai sự trừng trị thẳng tay mới nhất này của chính quyền Nhật Bản. Họ đã chủ động cắt một số lượng lớn các thành viên băng đảng mà phương thức kiếm sống có thể gây tổn hại cho sự an toàn của cộng đồng. Đồng thời, Yamaguchi-gumi đang xem xét cấm gửi những món quà có tính truyền thống để tạo lập quan hệ làm ăn và tổ chức các cuộc họp hằng tuần để thảo luận về cách ứng phó với những quy định pháp luật mà nhà chức trách mới ban hành. 

Một số nhóm khác cũng tổ chức huấn luyện nội bộ nhằm thích ứng với những thay đổi của pháp luật và thậm chí tổ chức tang lễ cho các thành viên ngay trong sào huyệt của mình chứ không mạo hiểm tổ chức ở nhà hỏa táng công cộng.

“Những động thái này cho thấy các băng đảng nhận thức việc làm thế nào các doanh nghiệp mà họ có quan hệ làm ăn lại va chạm với pháp luật. Chúng tôi muốn cắt đứt nguồn tài trợ của các băng nhóm” - một điều tra viên giấu tên nói với tờ Mainichi Shimbun.

Tuy nhiên, theo một số người, lẽ ra phải cấm yakuza thì nước Nhật Bản chỉ đưa ra những quy định pháp luật chặt chẽ hơn đối sự tồn tại của nó. Giải thích về điều này, ông Chikashi Nakamura, 75 tuổi, đứng đầu hội những người ở Kitakyushu vận động loại bỏ xã hội đen, nói: “Xã hội đã sử dụng yakuza lâu đến mức khó mà rũ bỏ chúng”. Nhiều người cảm thấy tiếc. “Mất 30 năm để có được điều này thế nhưng Nhật Bản vẫn còn do dự trong việc đè bẹp ngay, triệt để các nhóm bạo lực”, ông Naoyuki Fukasawa, một luật sư chuyên bảo vệ công dân chống lại tội phạm có tổ chức, nói. “Cảnh sát giống như người bắn cung - cố ý tránh tâm và thay vào đó họ nhắm vào vòng ngoài của mục tiêu”.

“Hiệp sĩ bị tha hóa”

Yakuza là tội phạm có tổ chức theo kiểu truyền thống ở Nhật Bản. Cho đến nay có hai quan niệm trái ngược về yakuza: những người hùng bị lỗi thời hay hậu thân tha hóa của samurai. Song có một sự thật: Những năm 1800, những bậc tiền bối của yakuza được phép mang vũ khí, được huy động giúp duy trì trật tự khi lực lượng bảo an của nhà nước thiếu hụt nhân lực.

Ở Nhật Bản còn có các tạp chí do các fan (người hâm mộ) của yakuza thành lập, “sự nghiệp” của yakuza được kể trong truyện thiếu nhi.

Yakuza tồn tại được ở Nhật Bản trong một thời gian dài vì mỗi tổ chức có một quy tắc đạo đức giúp họ không phá vỡ trật tự công cộng. Các quy tắc trên, thường được viết bằng chữ thảo Nhật Bản và treo trên tường để răn đe trực quan, nghiêm cấm cướp có vũ trang hoặc không vũ trang, trộm cắp, hiếp dâm, sử dụng, bán ma túy hoặc bất kỳ hành động nào khác trái với “phong cách hiệp sĩ”. Người vi phạm bị loại ngay lập tức. 

Thế nhưng ngày nay, nhiều người Nhật Bản chỉ nhìn thấy yakuza là một thứ tội phạm tồn tại công khai mà thôi.

KHIẾT ĐAM (Theo Guardian, NYT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm