Ấn-Trung bằng mặt không bằng lòng

Tạp chí The Diplomat(Nhật) đặt câu hỏi liệu Ấn Độ và Trung Quốc có thể là bạn bè của nhau hay không? Câu trả lời có lẽ nằm trong lĩnh vực kinh tế.

Trong vài thập niên qua, quan hệ Ấn-Trung lúc nóng lúc lạnh do tranh chấp biên giới nhưng hai nước cũng thường xuyên cố tìm tiếng nói chung về kinh tế. Trên thực tế, Trung Quốc luôn cần hợp tác phát triển kinh tế với Ấn Độ.

Hai nước đều là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á cũng như Ngân hàng Phát triển thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Trong Tổ chức Thương mại Thế giới, hai nước thường xuyên có tiếng nói chung về nhiều vấn đề, từ xuất khẩu thép vào Mỹ đến các giải pháp cho hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tạp chí The Diplomatghi nhận hợp tác Ấn-Trung là điều hoàn toàn tự nhiên vì hai nước đều có số dân gần bằng 1/3 dân số thế giới và hai nước đều là các nền kinh tế mới nổi của thế giới. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế Ấn-Trung đến nay chỉ thể hiện rõ trong các diễn đàn đa phương hơn là quan hệ song phương.

Dù là nền kinh tế lớn ở châu Á, Ấn Độ không nằm trong 10 đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Trong giai đoạn 2011-2012, thương mại song phương Ấn-Trung đạt 73 tỉ USD nhưng đến năm 2014 chỉ còn 66 tỉ USD. Giới quan sát cho rằng với quy mô của hai nền kinh tế này thì trao đổi thương mại Ấn-Trung hiện nay còn rất thấp so với tiềm năng thực sự. Dù vậy để hợp tác kinh tế thành công như kỳ vọng, hai bên cần phải giải quyết nhiều thách thức. Đến nay nhiều người Ấn vẫn không tin vào các chính sách của Trung Quốc. Điều đó tạo ra tranh chấp biên giới triền miên mà điển hình là xung đột năm 1962. Thách thức về chính trị càng phức tạp hơn vào thời điểm hiện tại. Nửa thế kỷ trôi qua, vấn đề tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Ấn Độ hồi năm ngoái, quân đội Ấn Độ vẫn cáo buộc binh lính Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh thổ tranh chấp.

New Delhi không mấy hài lòng khi Bắc Kinh thân thiện với các nước láng giềng Nam Á, còn Bắc Kinh e ngại quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông. Các quốc gia nhỏ ở Nam Á muốn dựa vào Trung Quốc để chống lại Ấn Độ cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc ở Viễn Đông muốn thân Ấn Độ để có đối trọng với Trung Quốc.

Tạp chí The Diplomat kết luận các nước trong khu vực đều mong muốn Ấn Độ và Trung Quốc có lời nói và hành động chung. Vấn đề cốt lõi cần giải quyết trước tiên là phân định rạch ròi giữa địa-chính trị và lợi ích kinh tế. Nếu Bắc Kinh và New Delhi làm được điều đó, lợi ích không chỉ đối với hai quốc gia đông dân nhất hành tinh mà các nước láng giềng cũng được hưởng lợi.

NHẬT VŨ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.