Phái bộ giám sát OSCE vào Debaltseve

Tuy nhiên, người phát ngôn khẳng định quân đội vẫn bố trí một bộ phận quân số và thiết bị quân sự vừa đủ dọc giới tuyến tiếp xúc để sẵn sàng trả đũa nếu lực lượng ly khai nổ súng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Trước đó, hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin quân đội chính phủ ở miền Đông Ukraine đã nhận được chỉ thị của Tổng thống Petro Poroshenko và bắt đầu rút vũ khí hạng nặng trên toàn bộ mặt trận. Quân đội thông báo với báo chí trong giai đoạn một bắt đầu từ ngày 26-2 (giờ địa phương) sẽ rút chủ yếu là pháo chống tăng 100 mm Rapira cách giới tuyến 25 km trong vòng 24 giờ.

Trong khi đó, người phát ngôn của phái bộ giám sát Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Michael Bochurkiv thông báo: “Chúng tôi đã đến được Debaltseve lần thứ hai hôm 25-2 để đánh giá tình hình nhân đạo”.

Phái bộ giám sát của OSCE nhận định hầu hết nhà cửa tại Debaltseve (ảnh) đều bị hư hại và bị phá hủy nghiêm trọng. Người phát ngôn Michael Bochurkiv nhận xét dân cư đã phản ánh với phái bộ giám sát họ đang khẩn cấp cần nước, khí đốt và điện.

Trước khi thỏa thuận hòa bình Minsk được thực hiện, Debaltseve (miền Đông Ukraine) là chiến trường ác liệt giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ Ukraine. Theo lực lượng ly khai, đã có nhiều ngàn binh sĩ bị bao vây tại Debaltseve.

OSCE cũng ghi nhận kể từ khi thời hạn ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15-2, số dân tản cư trước kia từ Nga trở về Ukraine đã bắt đầu tăng. Bình quân mỗi ngày có 184 người trở về Ukraine qua hai cửa khẩu Gukovo và Donetsk là hai nơi được phái bộ của OSCE giám sát. Phái bộ ghi nhận nguyên nhân do tình hình an ninh và ổn định đã được cải thiện.

OSCE chỉ bố trí các quan sát viên ở một số cửa khẩu. Thời hạn công tác của phái bộ OSCE tại hai điểm Gukovo và Donetsk sẽ kết thúc vào ngày 23-3. Hiện thời đang có ý kiến kéo dài thời hạn giám sát và mở rộng khu vực giám sát của OSCE.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm