Nhật-Ấn củng cố chiến lược quân sự

Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bikram Singh sẽ có chuyến thăm bốn ngày tới Nhật vào ngày 11-2 nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự giữa Nhật và Ấn Độ.

Nâng cấp quan hệ quân sự

Báo The Times of India (Ấn Độ) ngày 2-2 đưa tin dự kiến Tham mưu trưởng Bikram Singh sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cùng các tướng lĩnh Nhật để thảo luận biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự song phương. Theo lịch trình, ông Bikram Singh cũng sẽ đến thăm một số cơ sở quốc phòng của Nhật.

Chuyến thăm Nhật của Tham mưu trưởng Bikram Singh diễn ra ngay sau khi Nhật và Ấn Độ tổ chức cuộc đối thoại hàng hải đầu tiên vào ngày 29-1.

Báo dẫn lời một quan chức Ấn Độ ghi nhận quan hệ đối tác quân sự chiến lược giữa Ấn Độ và Nhật đang dần dần chuyển sang một cấp độ mới. Từ diễn tập tác chiến chung, phối hợp tuần tra chống cướp biển đến các hoạt động chống khủng bố và trao đổi dịch vụ quân sự, hai nước đang tiến tới thực hiện kế hoạch hành động tăng cường hợp tác an ninh.

Nhật-Ấn củng cố chiến lược quân sự ảnh 1

Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bikram Singh. Ảnh: AP

Kế hoạch hành động sẽ tập trung vào hợp tác chiến lược và quốc phòng nhằm tiến tới củng cố trọng tâm chiến lược Nhật và Ấn Độ trong khuôn khổ đối tác toàn cầu. Một quan chức Ấn Độ cho hay Ấn Độ và Nhật có chung quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực, trong đó có các vấn đề về chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hai bên cũng rất quan tâm đến an toàn đường biển tại Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương bởi Nhật và Ấn Độ đều lệ thuộc phần lớn vào giao thông hàng hải cho nhu cầu năng lượng và thương mại.

Quan chức này nói thêm rằng ngoài các cuộc tập trận thường xuyên giữa cảnh sát biển hai nước, tàu chiến hai nước cũng đang tiến hành hoạt động tuần tra chống cướp biển tại vịnh Aden và hai bên thường xuyên tổ chức hội thảo giữa các cơ quan hải quân hai nước.

Báo The Times of India nhận định Ấn Độ và Nhật đang rất thận trọng trước thái độ gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc và quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Trung Quốc.

Hai chuyến thăm cùng một ngày

Trong khi đó, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin trong ngày 2-2, Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật và Tổng Bí thư Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã đến thăm các đơn vị quân đội trong bối cảnh căng thẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang gia tăng.

Báo Quân đội Giải Phóng Nhân Dân (Trung Quốc) đưa tin ông Tập Cận Bình thị sát một căn cứ không quân tại sa mạc Gobi xa xôi nhưng không nêu rõ tên và địa điểm của căn cứ không quân.

Ông Anthony Wong Dong, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự quốc tế tại Macau, tin rằng ông Tập Cận Bình đã đến thăm căn cứ Dingxin cách trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền tại tỉnh Cam Túc 75 km.

Theo báo nêu trên, ông Tập Cận Bình đã phát biểu đề nghị các quân nhân nên nắm bắt cơ hội chiến lược theo đúng đường lối của đảng nhằm đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa quốc phòng Trung Quốc.

Trong khi đó tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe đã có bài phát biểu trước 700 binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ tại căn cứ không quân ở Naha (tỉnh Okinawa). Tại đây, ông đã kêu gọi các binh sĩ bảo vệ đất nước chống lại các hành động khiêu khích của các nước láng giềng. Ông cũng đến thăm một căn cứ phòng vệ bờ biển.

Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã ghi nhận Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm một lực lượng liên quan trực tiếp đến công tác tuần tra ở vùng biển tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi ông Tập Cận Bình đến thăm một căn cứ ở xa nhằm tránh leo thang căng thẳng.

Ông Anthony Wong Dong ghi nhận Bắc Kinh muốn hạ nhiệt trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nên ông Tập Cận Bình không đến thăm hạm đội Đông Hải. Ông cho rằng so với phát biểu của ông Tập Cận Bình thì phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm ở Okinawa có phần khiêu khích hơn.

Ông Nghê Lạc Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức mạnh hải quân và chính sách quốc phòng thuộc ĐH Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, nhận định có vẻ như chuyến thăm sa mạc Gobi của ông Tập Cận Bình nhằm bộc lộ ý đồ rằng Trung Quốc muốn giảm leo thang căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.

Ngày 3-2, Chủ tịch đảng Dân tiến (đối lập) Tô Trinh Xương của lãnh thổ Đài Loan đã đến thăm Nhật cho dù Đài Loan, Trung Quốc và Nhật đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó ngày 1-2, Đài Loan đã đưa vào sử dụng một radar dò tìm tên lửa theo thiết kế của Mỹ. Radar được đặt trên đỉnh núi ở TP Tân Trúc (phía Bắc Đài Loan). Với radar này, quân đội Đài Loan có thể cảnh báo 6 phút trước các cuộc tấn công bất ngờ. Các chuyên gia ghi nhận như vậy Đài Loan đã trở thành một mắt xích trong hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ ở châu Á.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm