Mỹ rút khỏi Iraq

Từ ngày 1-9, quân đội Mỹ tại Iraq sẽ không làm nhiệm vụ chiến đấu nữa. Hôm 31-8, bộ phận chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq đã rút quân. Khoảng 50.000 binh lính Mỹ còn ở lại Iraq sẽ chỉ làm công tác cố vấn và huấn luyện cho Iraq, đồng thời hỗ trợ trong các chiến dịch chống khủng bố cho đến khi triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Nhiều binh sĩ Mỹ thuộc diện rút quân không ảo tưởng về những thách thức đang chờ đợi chính quyền Iraq. Trong khi đó, phần lớn binh sĩ Iraq cho rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ thuận lợi hơn sau khi quân đội Mỹ rút quân. Tuy nhiên, người dân Iraq lại suy nghĩ nhiều chiều khác nhau. 

Một bộ phận xác tín dù mức độ bạo lực chung đã giảm kể từ đỉnh điểm năm 2006-2007 nhưng họ không tin tưởng 660.000 cảnh sát và binh sĩ Iraq đủ sức bảo vệ an ninh.

Mỹ rút khỏi Iraq ảnh 1

Mission accomplished = Nhiệm vụ đã hoàn thành. Minh họa của Frederick Deligne đăng trên báo Nice-Matin (Pháp).

Bằng chứng là ngày 17-8, quân nổi dậy Sunni đã làm bài toán thử khi đánh bom tự sát tại trung tâm tuyển quân làm 57 người thiệt mạng. Một tuần sau, hàng loạt vụ nổ bom xe lại xảy ra tại các đồn cảnh sát trên cả nước làm hơn 60 người chết.

Thời Tổng thống Saddam Hussein, người Hồi giáo dòng Sunni chiếm thiểu số cầm quyền. Họ vui mừng khi Mỹ rút quân nhưng vẫn lo ngại Mỹ sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực mà người Hồi giáo Shiite có Iran chống lưng sẽ lợi dụng.     

Báo chí Mỹ cũng đã tập trung đăng nhiều bài phóng sự, phân tích, bình luận về sự kiện Mỹ rút quân khỏi Iraq và hậu quả sau đó đối với Iraq và Mỹ.

Báo New York Times nhận định hầu hết các sĩ quan Mỹ trong đợt rút quân cho rằng bối cảnh chính trị Iraq hiện nay có thể làm người dân Iraq mất niềm tin. Lý do: Năm tháng sau bầu cử Quốc hội ngày 7-3, chính phủ mới ở Iraq vẫn chưa được thành lập và hiện nay, cánh của Thủ tướng sẽ mãn nhiệm kỳ Nouri al-Maliki và cánh của nguyên Thủ tướng Ayad Allawi chiến thắng trong cuộc bầu cử vẫn đang tranh giành quyền lực.

Báo Washington Post phân tích Mỹ rút khỏi Iraq là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Báo ghi nhận chẳng những Mỹ đã trả giá quá đắt cho cuộc chiến Iraq mà nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair đã phải mất uy tín, còn chính phủ Tây Ban Nha đã phải sụp đổ vì tham gia liên minh do Mỹ thành lập để lao vào vũng lầy Iraq.

Cuối cùng báo kết luận: Không có nước nào trong liên minh rút ra được bất kỳ lợi ích gì về ngoại giao hoặc chính trị; ngược lại, chính sách can thiệp vào Iraq rõ ràng đã củng cố Iran và làm tăng giá dầu hỏa, qua đó đã tiếp sức cho Saudi Arabia.

Theo báo Der Spiegel (Đức), phần lớn người dân Iraq đều lo ngại nội chiến sẽ xảy ra sau khi Mỹ rút quân. Trả lời phỏng vấn báo này, nguyên Thủ tướng Iraq Ayad Allawi đã lên án Mỹ thực hiện một chiến lược tổng thể không tốt tại Iraq.

Báo The Guardian (Anh) nêu lên vấn nạn: Thực thể Iraq là gì mà người Kurd và người Hồi giáo Shiite vẫn chưa thể hòa nhập? Ngược lại, báo Wall Street Journal (Mỹ) lại lạc quan: Một thực thể mới Iraq sẽ được xác lập trên cơ sở chia sẻ lợi ích.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm