Nạn nhân vụ tạt axit gây chấn động và vụ tự tử đau lòng

Nạn nhân vụ tạt axit gây chấn động và vụ tự tử đau lòng ảnh 1

Fakhra Yunus của ngày xưa và sau khi bị tạt axit, khi đã được tiến hành 38 ca phẫu thuật tái tạo thẩm mĩ.

Fakhra Yunus mới chỉ 22 tuổi khi bị người chồng Bilal Khar, thành viên của gia đình chính trị Khar nổi tiếng ở Pakistan, tấn công, tạt axit khi đang ngủ.

Khi Yunus và Khar gặp nhau, cô đang hành nghề mại dâm. Không lâu sau đó, vào năm 1998, hai người đã kết hôn.

Nhưng cũng gần như ngay tức thì, Khar bắt đầu lạm dụng Yunus. Và việc lạm dụng kéo dài trong suốt gần 3 năm, trước khi cô bỏ trốn. Sau đó, được biết Khar đã tìm ra nơi ở của Yunus và tấn công cô bằng axit vào năm 2000. Nhưng người chồng không bị bắt và vẫn vô tội.

Tờ Washington Post cho rằng Yunus đã trở thành gương mặt hiện hữu cho sự tàn bạo đối với phụ nữ ở Pakistan, sau khi nhà hoạt động Tehmina Durrani, tác giả của “My Feudal Lord” (Đức lang quân phong kiến của tôi) đã giúp Yunus chạy trốn tới Rome và điều trị cho những thương tổn trên người và đặc biệt là trên mặt cô. Durrani nổi tiếng là người đấu tranh mạnh mẽ chống lại sự bất công đối với phụ nữ ở xã hội Hồi giáo. Trong suốt nhiều năm sau vụ tấn công, Yunus đã phải trải qua 38 ca phẫu thuật tái tạo mặt và phẫu thuật thẩm mỹ.

Durrani đã viết về Yunus trên The News Daily rằng: “Tôi đã gặp nhiều nạn nhân của các vụ tạt axit. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy gương mặt nào bị biến dạng hoàn toàn như Fakhra. Cô không chỉ bị mất mặt, mà cơ thể của cô cũng bị tan chảy tới tận xương. Nhưng bất chấp tình trạng đau đớn và vô vọng đó, cô vẫn không được giúp đỡ.  Cô không nhận được gì ngoài sự khinh bỉ và rẻ rúng.”

Nạn nhân vụ tạt axit gây chấn động và vụ tự tử đau lòng ảnh 2

Yunus bên Durrani, tác giả của hai cuốn sách và từng là vợ của một chính trị gia Pakistan, tại một cuộc họp báo năm 2001.

Tạt axit rất phổ biến ở Nam Á. Theo Nicholas D. Kristof của tờ New York Times, các vụ tạt axit thường là tác phẩm của những ông chồng, tấn công vợ để trả thù vì bị họ từ chối về tình dục hoặc những yêu cầu khác.

Cũng theo Kristof, hơn 7.000 vụ tạt axit có chủ ý nhằm vào phụ nữ đã được Hiệp hội phụ nữ tiến bộ Pakistan ghi nhận chỉ ở 2 thành phố của Pakistan từ năm 1994-2008. Và chỉ 2% số vụ này được khởi tố thành công.

Yunus tự kết liễu đời mình chỉ một tháng sau khi bộ phim tài liệu “Saving Face” (Hãy cứu lấy gương mặt) giành được giải Oscar cho phim tài liệu ngắn hay nhất. Bộ phim kể về những người phụ nữ bị tạt axit này được cho là đã trao Yunus chút hi vọng về tương lai.

Nhưng theo tiến sỹ Malcolm Roth, chủ tịch Hiệp hội các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ của Mỹ, trong khi các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải thiện các ca phẫu thuật thẩm mĩ tái tạo cho những nạn nhân như Yunus, những vết sẹo về tâm lý và tinh thần mà họ phải chịu đựng là vô cùng lớn.

“Gương mặt của chúng ta cho biết chúng ta là ai, cho biết tuổi, giới tính, sắc tộc của chúng ta và là trung tâm giao tiếp, nhận biết với người khác”, Roth nói. “Những cá nhân có vẻ ngoài khác thường, do bị biến dạng mặt nghiêm trọng thường phải hứng chịu áp lực về tâm lý và sự ghẻ lạnh của xã hội. Chúng ta chỉ có thể hi vọng sự nhận thức về tác động của những tội ác kinh khủng này và sự chịu đựng của các nạn nhân sẽ làm giảm những hành động như thế trong tương lai.”

Nạn nhân vụ tạt axit gây chấn động và vụ tự tử đau lòng ảnh 3

Linh cữu của Yunus được đưa về sân bay Karachi hôm chủ nhật vừa qua.

Với 38 ca phẫu thuật tái tạo bằng cách ghép da, các chuyên gia cho biết các bác sỹ phẫu thuật thẩm mĩ đã gần như tái tạo lại được gương mặt cho Yunus. Tiến sỹ Garry Brody, giáo sư về phẫu thuật thẩm mĩ tại Đại học Nam California, cho biết các bác sỹ phẫu thuật có thể lấy mô từ vùng không bị cháy trên cơ thể Yunus, kéo căng nó ra và sau đó dùng để phủ lên toàn bộ gương mặt.

“Biểu cảm trên khuôn mặt gần như không có, nhưng đó đã là một bước cải thiện lớn rồi”, Brody cho hay. Brody cũng cho biết các cuộc điều trị tâm lý được tiến hành song song với các cuộc phẫu thuật tái tạo.

Nạn nhân vụ tạt axit gây chấn động và vụ tự tử đau lòng ảnh 4

Cầu nguyện cho nạn nhân vụ tạt axit nổi tiếng Yunus tại Islamabad, Pakistan, ngày 26/3.

Tuy nhiên, vết sẹo tâm lý có lẽ vẫn còn quá lớn, ngay cả khi những vết sẹo trên thân thể đã được chữa lành.

Trong bài báo trên Washington Post, Durrani đã dẫn lời một giáo sư Italia cho biết về sự phục hồi của Yunus: “Tôi đã cố gắng sửa chữa những vết sẹo trên thân thể cô, nhưng không thể nào hàn gắn được tâm hồn cô.”

Theo News Daily, Yunus đã được chôn cất vào hôm chủ nhật vừa qua. Trước khi chấm dứt cuộc sống của mình, cô đã để lại lá thư tuyệt mệnh, cho biết cô sẽ tự tử bởi sự im lặng và sự tàn ác của những người phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ của cô.

Theo Vũ Quý (Dân trí / ABC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm