Không thể xác định ADN Tào Tháo

Không thể xác định ADN Tào Tháo ảnh 1

Chân dung Tào Tháo

Nhân dân Nhật báo đưa tin thông tin “tìm thấy mộ Tào Tháo” đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gắt gao giữa các nhà khảo cổ, sử học và người dân Trung Quốc. Một số chuyên gia nghi ngờ ngôi mộ huyện An Dương không phải là mộ Tào Tháo, bởi nó thiếu văn bia của Tào Tháo, một trong những bằng chứng cần thiết nhất.

Một khảo sát trên cổng thông tin sina.com hôm 1-1 cho kết quả 60% trên tổng số 13.000 người được hỏi không tin rằng đó là mộ Tào Tháo. “Các tài liệu lịch sử cho biết Tào Tháo đã xây 72 ngôi mộ giả để đề phòng những kẻ cướp mộ, vậy thì các ngôi mộ giả đó đâu, và liệu đây có phải là một ngôi mộ giả hay không?”, Nhân dân Nhật báo dẫn lời ông Yuan Jixi - chuyên gia ĐH Nhân dân Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Li Can, một chuyên gia khảo cổ thuộc tỉnh An Huy, cho rằng kiến trúc ngôi mộ ở huyện An Dương, Hà Nam không giống với kiến trúc mộ thời kỳ Đông Hán, mà giống với kiến trúc thời kỳ Nam Bắc Triều (386-589) hơn.

Các chuyên gia đề xuất thử nghiệm ADN từ bộ hài cốt người đàn ông trong ngôi mộ ở An Dương với ADN từ xương của Tào Thực - con thứ ba của Tào Tháo. Có bốn hoặc năm ngôi mộ được cho là của Tào Thực, nhưng các nhà khảo cổ Trung Quốc đều đồng ý rằng ngôi mộ tìm thấy ở Đông A, tỉnh Sơn Đông năm 1951 chính là mộ Tào Thực. Sau đó, hài cốt Tào Thực được đưa về lưu trữ tại thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam.

Tuy nhiên, Nhật báo kinh tế Sơn Đông dẫn lời ông Lưu Ngọc Tân, một quan chức địa phương, tiết lộ 28 mẩu xương của Tào Thực đã bị thất lạc vào năm 1952, khi chính quyền Trung Quốc quyết định tách, ghép các huyện ở Sơn Đông và Hà Nam. Hơn nữa, giới chuyên gia cho biết kể cả trong trường hợp xương cốt của Tào Thực không bị thất lạc thì việc xác định ADN của Tào Tháo cũng sẽ cực kỳ khó khăn.

“Xét về phương diện kỹ thuật, lấy mẫu ADN từ xương và răng đã phân hủy là một nhiệm vụ hầu như là bất khả thi”, Global Times dẫn lời chuyên gia Wang Minghui, người đã xác định độ tuổi của các bộ xương trong ngôi mộ ở huyện An Dương. Trong khi đó, việc tìm hậu duệ hiện nay của Tào Tháo cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả.

Global Times cho biết ông Cao Weiguo sống ở làng Quibu, huyện Xutong, tỉnh Hà Nam, gần với một ngôi mộ được cho là của Tào Thực, tin rằng tất cả dân làng Quibu đều là hậu duệ của Tào Tháo. “Chúng tôi có 400-500 dân làng, và họ của chúng tôi đều là Tào”, ông Cao Weiguo cho biết, “Tôi không thể chứng minh rằng tôi là hậu duệ của Tào Tháo, nhưng khả năng đó là hoàn toàn có thể”.

Sáu lý do để tin đây là mộ Tào Tháo

Theo Cục di tích văn hóa quốc gia Trung Quốc và nhiều nhà khảo cổ, có sáu lý do để tin rằng ngôi mộ ở huyện  An Dương, Hà Nam chính là một Tào Tháo.

Thứ nhất, ngôi mộ rất rộng, dài tới 60 m, kiến trúc hầm mộ giống như mộ hoàng tộc thời kỳ Hán - Ngụy. Ngôi mộ không bị bít lại, giống như sử sách mô tả về mộ Tào Tháo.

Thứ hai, các hiện vật tìm thấy trong mang đặc điểm rõ ràng của thời kỳ Hán - Ngụy.

Thứ ba, vị trí của ngôi mộ phù hợp với vị trí mộ Tào Tháo ghi lại trong sử sách và huyền thoại.

Thứ tư, di chúc của Tào Tháo viết ông không muốn được chôn với đồ trang sức quý giá, thay vào đó chỉ là quần áo bình thường. Dù ngôi mộ rất lớn, nhưng trang trí đơn giản, ít hiện vật quý.

Thứ năm, dòng chữ “Ngụy Vũ Vương” khắc trên các tấm thẻ bài là bằng chứng rõ ràng nhất. Khi qua đời, Tào Tháo được phong tước hiệu Ngụy Vũ Vương. Chỉ đến khi con trai cả của Tào Tháo là Tào Phi phế bỏ Hán Hiến Đế và lên làm vua thì mới truy phong Tào Tháo là Ngụy Vũ Đế.

Thứ sáu, bộ xương người đàn ông tìm thấy trong ngôi mộ được xác định là ở độ tuổi ngoài 60. Theo sử sách, Tào Tháo qua đời ở tuổi 66.

Theo HIẾU TRUNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.