Cuộc chiến quanh đền Angkor Wat

Nếu Quỹ ủy thác Mahavir Mandir, một tổ chức tôn giáo có văn phòng ở Ấn Độ, được làm điều họ muốn, thì trong 10 năm nữa, một Angkor Wat khổng lồ bằng xi măng và đá granite sẽ sớm được soi bóng bên bờ sông Hằng. Tuy nhiên, dự án công trình Hindu giáo lớn nhất thế giới này chưa ra đời đã gây hàng loạt khiếu nại về ngoại giao và làm tổn thương đến tình cảm của người Campuchia.

Cuộc chiến quanh đền Angkor Wat ảnh 1

Quần thể đền Angkor là một trong những công trình tôn giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: wikipedia.
Ngày 5/3 vừa qua một buổi lễ thiêng liêng để làm sạch khu đất dự kiến sẽ xây dựng ngôi đền ở bang Bihar của Ấn Độ đã được tổ chức. Công việc xây dựng dự kiến sẽ khởi công vào tháng tư. Ông Acharya Kishore Kunal, thư ký của Qũy ủy thác Mahavir Mandir cho biết một bản sao lớn, được thiết kế lớn hơn so với đền Angkor Wat chính gốc, sẽ được xây dựng trong “sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Campuchia."

“Theo tôi, đây là công trình tuyệt vời nhất mà nhân loại từng làm", ông nói. "Tôi muốn xây dựng một ngôi đền Hindu lớn nhất thế giới. Sự cạnh tranh của tôi không phải là với văn hóa Campuchia, mà là với các công trình Hindu giáo khác".

Tuy nhiên các quan chức Campuchia coi đây là sự sỉ nhục lớn. Họ cho rằng tổ chức tôn giáo Ấn Độ này không có quyền sao chép thiết kế gốc của đền Angkor Wat mà không được phép của Phnom Penh.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Campuchia, Koy Kuong, nói rằng sứ quán của Campuchia ở New Delhi đang đánh giá tình hình và nếu Phnom Penh không cho phép thì Quỹ tín thác kia "phải dừng lại”. Ông Kuong nói thêm rằng cho đến nay New Delhi vẫn chưa trả lời những phàn nàn của phía Phnom Penh.

Người phát ngôn của Hội đồng bộ trưởng Campuchia, Phay Siphan, nói: “Tôi rất tức giận. Angkor Wat là linh hồn của đất nước chúng tôi, hình tượng đó in trên lá cờ tổ quốc chúng tôi. Angkor Wat là biểu tượng về chủ quyền của Campuchia, không ai được sao chép.”

Ông ta đã liên hệ công trình này với một hình thức của chủ nghĩa đế quốc, giống như khi một vài nước Âu châu cướp bóc một số các hiện vật lịch sử và tôn giáo quan trọng của các nước khác trên thế giới. "Chúng tôi chiến đấu chống lại việc sao chép ... Chúng tôi muốn loại bỏ ý tưởng này", ông nói. "Họ nên từ bỏ Angkor Wat của chúng tôi, nó là ngôi đền duy nhất trên thế giới này."

Được đức vua Khmer Suryavarman II xây dựng trong thế kỷ thứ 12, Angkor Wat và các khu lân cận đôi khi được coi là công trình tôn giáo lớn nhất thế giới. Ban đầu nó được xây dựng làm một ngôi đền Hindu, sau này Angkor Wat được sử dụng làm nơi thờ Phật sau khi chế độ quân chủ của Campuchia chuyển sang theo đạo Phật trong một vài thế kỷ sau đó. Cả Phật giáo và Ấn Độ giáo của người Campuchia bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại.

Giờ đây ngôi đền – một địa chỉ Di sản thế giới của Liên Hợp Quốc – là trung tâm của bản sắc dân tộc của Campuchia và là cỗ máy in tiền nhờ du lịch lớn nhất của đất nước.

Những người thường dân Campuchia, đa số là theo đạo Phật, cũng có quan điểm không hài lòng giống như chính phủ của họ.

“Tôi rất thất vọng. Tôi muốn Angkor Wat là ngôi đền duy nhất trên thế giới," Seang Nara, một sinh viên luật ở Phnom Penh tỏ quan điểm. "Tôi không muốn Angkor Wat bị một nơi khác đánh cắp."

“Người du lịch sẽ không đến Campuchia. Họ sẽ đến Ấn Độ bởi vì (ngôi đền) ở đó sẽ mới hơn và to hơn ngôi đền ở Campuchia”, Ly Srun Chhay, sinh viên 20 tuổi ở đại học quốc gia nhận xét.

Một số học giả xem những tranh cãi về quyền sở hữu thông qua một ống kính lịch sử rộng lớn hơn. Sombo Manara, Phó chủ nhiệm của khoa lịch sử tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh, cho biết ông nhìn nhận lợi ích của Ấn Độ ở Angkor Wat dưới một ánh sáng tích cực, so sánh sự sao chép đó như việc nhượng quyền thương mại của Campuchia và nhờ đó nước này sẽ trở nên nổi tiếng hơn.

“Trước đây chúng ta nghĩ rằng toàn bộ văn hóa – như Bà La Môn giáo và Phật giáo – đều từ Ấn Độ đến Campuchia. Nhưng bây giờ tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc rằng văn hóa Campuchia của chúng ta đang lan rộng trở lại Ấn Độ", ông đặt câu hỏi. “Đây là lần đầu tiên họ sao chép từ Campuchia ... Tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc với điều đó?”.

Manara lưu ý rằng Ấn Độ là nước đầu tiên gửi viện trợ chính thức cho Campuchia sau thời kỳ Khmer Đỏ, bao gồm cả tài chính đề khôi phục Angkor Wat. Ông tin rằng mô hình dự định sẽ không có được sự hùng vĩ và những chi tiết nghệ thuật của ngôi đền chính gốc, trong đó có hơn 3.000 phù điêu Apsaras, hay nữ thần, được chạm khắc vào những bức tường đá của Angkor.

"Nếu bản sao được xây dựng, nó vẫn không giống như (bản gốc) tại Campuchia. Tất nhiên thế giới có cạnh tranh - chúng tôi phải thu hút khách du lịch của chúng tôi bằng ngôi đền gốc", ông nói. “Gương mặt [Apsara] không phải là một gương mặt Ấn Độ, đó là một khuôn mặt Campuchia. Vì vậy, liệu người Ấn có thể tái tạo nó được không?".

Ông Kunal cũng thừa nhận rằng sẽ có một số khác biệt quan trọng. Ví dụ, bản sao sẽ không có cấu trúc bên ngoài như bản gốc với các hào nước - hay hồ nước ở phía trước lối vào chính của ngôi đền gốc - đã tạo cho ngôi đền có được sự quyến rũ to lớn. Ông Kunal nói rằng cấu trúc bản sao có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn 13 tòa tháp so với Angkor Wat chính gốc, bởi vì con số đó bị coi là điềm xấu ở Ấn Độ.

Phiên bản ở Ấn Độ sẽ được xây bằng những vật liệu khác. Trong khi ngôi đền gốc từ thế kỷ thứ 12 được xây bằng các phiến đá lớn, còn đền Angkor Wat năm 2012, hay còn gọi là Virat Angkor Wat Ram Mandir, sẽ được xây dựng bằng bê tông và đá granite.

Kunal nói rằng: “Tôi sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi nào, bất kỳ sự góp ý nào nếu gặp khó khăn. Tôi muốn chắc chắn rằng không xảy ra bất kỳ sự tranh cãi nào đối với mong ước của nhân dân Campuchia.”

Ông nói rằng việc xây phiên bản ở Ấn Độ sẽ mất khoảng 10 năm với một khoản chi phí lên đến 20 triệu USD. Quỹ ủy thác Mahavir Mandir đã thiết kế một trang web và một blog trên Facebook để quảng bá cho dự án này.

Tuy nhiên, những người chỉ trích kế hoạch nêu những nghi vấn về động cơ thương mại, chứ không phải là vì động cơ tôn giáo của tổ chức của Ấn Độ. Đặc biệt là bản thân ông Kunal chưa một lần đến thăm Angkor Wat.

Kunal nói: “Tôi muốn đi thăm đền trong kỳ nghỉ hè tháng 6. Nhưng giờ đây tôi hơi e sợ vì ở đó có rất nhiều loại người. Một số người ở Campuchia muốn ném giày vào tôi.”

Theo Phạm Ngọc Uyển (VNE / Asia Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm