Cha đẻ của máy ATM

"Chúng là những tên côn đồ thông minh" - ông già John Shepherd-Barron tức giận thốt lên trong khu trại cá ở miền bắc Scotland.

Đó là ông nói về những con hải cẩu ăn trộm cá hồi trong trang trại của ông.

Đây là hình ảnh hôm nay của người từng sáng chế ra chiếc máy rút tiền, lần đầu tiên xuất hiện ở Anh quốc vào năm 1967.

"Tôi chế ra thiết bị để đuổi chúng đi bằng cách phát âm thanh của loài cá voi ăn thịt, nhưng kết quả là đám hải cẩu lại càng tới nhiều hơn", ông già 82 tuổi vẫn tiếp tục câu chuyện.

Thiết kế này thất bại nhưng thiết kế đầu tiên lại thành công rực rỡ: máy rút tiền.

Nghĩ trong bồn tắm

Chiếc máy rút tiền đầu tiên trên thế giới hồi đó lắp ở chi nhánh ngân hàng Barclay ở Enfield, mạn bắc Luân Đôn, cách đây đúng 40 năm.

Reg Varney, diễn viên nổi tiếng trên bộ phim truyền hình nhiều tập On the Buses, là người đầu tiên rút thử tiền.

Ông Shepherd-Baron nhớ lại ý tưởng xuất hiện khi nằm trong bồn tắm.

"Tôi cứ nghĩ mãi tới chuyện phải có cách nào đó để tôi đi đâu trên đất Anh hay trên thế giới cũng có thể rút được tiền của tôi ra".

"Và thế là tôi vận dụng nguyên tắc của cái máy bán kẹo sô-cô-la, thay kẹo bằng tiền mặt".

Và ý tưởng của ông đã thuyết phục Barclays ngay lập tức.

Tổng giám đốc ngân hàng vội vã ký hợp đồng với ông Shepherd-Barron, lúc đó vẫn còn đang làm cho công ty in ấn De La Rue.

Vạn sự khởi đầu nan

Cha đẻ của máy ATM ảnh 1
Ông Shepherd-Barron năm nay 82 tuổi và vẫn tiếp tục sáng chế.
Lúc bấy giờ thế giới còn chưa xài thẻ thanh toán, cho nên máy của ông được thiết kế để đọc các tờ ngân phiếu (check) có thấm đồng vị phóng xạ C14.

Máy đọc rồi so số mật mã Pin để nhận dạng.

Mặc dù trên phiếu có chất phóng xạ nhưng ông Shepherd-Barron khẳng định không có hại gì cho sức khỏe.

"Sau này tôi có ngồi tính ra là cần phải ăn hết 136.000 tấm ngân phiếu thì mới đủ liều lượng để gây hại cho con người".

Hồi đó số tiền tối đa cho mỗi lần rút là 10 bảng.

"Nhưng tính ra nhiêu đó là đủ để tiêu xài phung phí trong hai ngày cuối tuần" - nhà sáng chế hồi tưởng.

Lúc khởi đầu không phải mọi chuyện đều suôn sẻ.

Chiếc máy đầu tiên bị phá hỏng, còn một chiếc khác lắp ở Zurich (Thụy Sĩ) thì chạy sai một cách khó hiểu.

Sau đó người ta phát hiện ra hệ thống đường giao thông tramlines gây nhiễu làm hệ thống cơ khí chạy loạn xạ.

Sản phẩm phụ của chiếc máy rút tiền đầu tiên là mã số bảo mật, viết tắt là PIN.

Lịch sử số PIN

Ông Shepherd-Barron nghĩ ra phương pháp này nhờ nhớ lại 6 con số nhận dạng trong quân đội.

Nhưng ông cũng quyết định thử với bà vợ Caroline.

"Bà ấy đứng nấu ăn trong bếp, và nói chỉ có thể nhớ 4 số mà thôi, và chính vì vợ tôi mà bây giờ thế giới dùng tiêu chuẩn 4 số để làm PIN". - Ông cười to.

Hôm nay, những người tới rút tiền từ cái máy ATM trước cửa ngân hàng Enfield ở Enfield High Street chắc không biết gì mấy tới lịch sử của địa điểm này.
Chiếc máy rút tiền đầu tiên ra đời cách nay đúng 40 năm

Vào ngày kỷ niệm 25 năm sử dụng chiếc máy ATM đầu tiên người ta có đặt một cái bảng kỷ niệm, nhưng khách đi đường chắc cũng không có mấy thời giờ để đọc.

Tính ra trên toàn thế giới đang có trên 1,6 triệu máy rút tiền, cho nên cõ lẽ người ta cũng không còn thấy nó có gì đặc biệt nữa.

ATM sắp hết thời

Ông Shepherd-Barron nói hai vợ chồng ông chỉ nhận ra tầm quan trọng của sáng chế nhờ một lần đi nghỉ ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan.

Họ trông thấy một người nông dân cưỡi xe bò tới, tháo cái nón lá xuống rồi dùng máy rút tiền.

"Đó là bằng chứng đầu tiên nói với tôi là chúng tôi đã thay đổi thế giới" - ông kể.

Và mặc dù bản thân ông là người sáng chế ra cái máy, Shepherd-Barron vẫn tin là thói quen sử dụng máy trong tương lai sẽ rất khác.

Ông thậm chí còn dự đoán là chỉ vài năm nữa là xã hội Anh sẽ không còn dùng tới tiền mặt nữa.

"Tiền tốn tiền để chuyên chở. Vì vậy mà tôi tiên đoán tiền mặt sẽ biến mất trong vòng 3 tới 5 năm".

Ông tin rằng dân Anh sẽ sớm dùng điện thoại cầm tay để thanh toán, kể cả để trả những khoản tiền rất nhỏ.

Năm nay đã 82 nhưng ông Shepherd-Barron vẫn liên tục sáng chế, mà gần đây chính là cái máy xua đuổi hải cẩu bằng âm thanh của cá voi mà ông vẫn đang phải làm lại.

(Theo VNE/ BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm