VỊ TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN VÀ CŨNG LÀ CUỐI CÙNG CỦA LB XÔ VIẾT

Mikhail Gorbachev: “Trong chính trị, tôi là người thất bại”

Quan chức được coi là cao nhất tới dự chỉ là viên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Kênh 1 Konstantin Ernst. Gorbachev dự định sẽ làm lớn đợt hai của lễ sinh nhật này tại London vào ngày 30/3/2011 tới.

Theo các nhà chính trị học, với hoạt động chính trị của mình, Gorbachev đã khiến cho nhiều người Nga tới hôm nay vẫn oán hận vì theo họ, ông chính là thủ phạm làm cho siêu cường lừng lẫy một thuở là Liên bang Xôviết tan rã. Dù bây giờ không thể khôi phục lại Liên Xô nhưng điều đó không có nghĩa là những ai đã liên quan tới quá trình tan rã đó vô can.

Mikhail Gorbachev: “Trong chính trị, tôi là người thất bại” ảnh 1

Ông Mikhail Gorbachev

Bản thân Gorbachev cũng ý thức được điều này nên trong các cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất, mặc dù theo thói quen cũ rất hay tung hỏa mù về cải tổ và những hệ lụy của nó, ông ta đã buộc phải công nhận sai lầm và sự kém thế của mình khi còn ngồi trên đỉnh cao quyền lực ở Moskva.

Không có điều kiện được trực tiếp trò chuyện với Gorbachev, tôi sẽ thông qua những tư liệu gián tiếp để cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về vai trò và sai lầm của Gorbachev trong việc dồn thế giới vào những biến động khôn lường ở những năm cuối thế kỷ  XX mà cho tới nay, nhân loại vẫn đang phải tiếp tục gánh những hệ lụy.

 Đài Truyền hình Nga Kênh 1 có một chương trình talk-show  của nhà báo nổi tiếng Vladimir Pozner mang chính tên ông với các cuộc trò chuyện tưởng như khô khan nhưng luôn giàu kịch tính với các nhân vật về những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Gorbachev đã ba lần được mời tới, không phải vì ông ta được dân chúng mến mộ mà vì ông ta đã liên quan tới nhiều sự việc gây ảnh hưởng lớn đến số phận nước Nga và có thể cung cấp những tư liệu nào đó để cùng ôn cố tri tân qua sự dẫn dắt khéo léo và tinh tế của chủ chương trình.

Cũng xin nói thêm là trong khi trò chuyện, nhà báo Pozner cũng có tác phong trình bày khá dài những suy nghĩ của mình để dẫn dụ người đối thoại cùng đi tới thông tin và quan điểm mà công chúng muốn biết. (Tôi cứ nghĩ, nếu Pozner ở Việt Nam thì rất dễ bị những tay thủ cựu và "kém tắm" trong làng báo phê phán là "khoe chữ"! - những kẻ ít chữ thì lấy gì mà khoe và làm sao nói được dài mà không trở nên nhàm chán?).

Nhà báo Pozner lần đầu mời Gorbachev tới trò chuyện là vào ngày 1/12/2008.

"Khán giả 1: Liệu ông có hối tiếc về những việc đã làm, về việc ông đã làm tan rã đất nước?

Khán giả 2 (một phụ nữ): Tôi rất căm giận vì ông ấy đã làm tan rã Liên bang. Rất căm giận.

Khán giả 3: Liệu Liên bang của chúng ta có đến mức bị tuyệt vọng như thế hay không?

Khán giả 4: Tại sao ông ấy lại làm tan rã Liên bang Xôviết? Ông ấy đã nhận được bao nhiêu tiền nhờ việc này?

Gorbachev: À ra thế!

Pozner: Ông thấy đấy. Còn có một câu hỏi nữa từ khán giả tên là Igor Kovalevski: "Thưa ngài Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xôviết! Ông có thấy rằng việc ông được tặng giải Nobel không phải vì công góp vào việc thống nhất nước Đức mà là vì ông đã làm tan rã Liên Xô?". Đó là một nhóm câu hỏi. Ông có thể nói gì với những khán giả này?

Gorbachev: Tôi hiểu họ…

Mikhail Gorbachev: “Trong chính trị, tôi là người thất bại” ảnh 2

Mikhail Gorbachev (phải) và Boris Yeltsin

Cũng trong chương trình Pozner, được phát ngày 1/12/2008, Gorbachev đã lần đầu thú nhận một số sai lầm của mình:

"Sai lầm thứ nhất là đã chậm chân trong việc cải cách Đảng Cộng sản Liên Xô. Thứ hai là chậm chân trong việc cải cách Liên bang. Lẽ ra cần phải làm một việc rất đơn giản là để cho từng nước cộng hòa một có được vị thế như đã ghi trong Hiến pháp: là một quốc gia có chủ quyền. Và sai lầm thứ ba là khi chúng ta trở nên túng thiếu, đặc biệt là từ sau năm 1989, năm 1990, cả nước mua gì cũng phải xếp hàng, và chúng ta không đủ hàng hóa để đáp ứng các nhu cầu thiết thân, khi những đôi giày Italia cũng có thể tạo nên những dãy xếp hàng dài… Lúc ấy cần phải tìm ra khoảng 10-15 tỉ USD. Thực ra có thể tìm ra được từng ấy tiền vì chi phí quốc phòng  của chúng ta lúc đó lên tới 106 tỉ USD. Thế mà đã không tìm ra".

Lần thứ hai ông Gorbachev được mời tới trường quay tham gia chương trình Pozner là vào ngày 29/6/2009. Nhìn chung, ông vẫn lặp lại những biện bạch cũ về các sai lầm đã dẫn tới tan rã Liên Xô. Và mới đây nhất, ngày 27/2/2011, sát sinh nhật của cựu Tổng thống Liên Xô, nhà báo Pozner đã rất thẳng thắn đặt lại vấn đề mà nhiều người Nga đang suy nghĩ với Gorbachev trong chương trình takl-show mang tên mình.

Pozner: Dù sao tôi cũng muốn trở lại chủ đề không mang tính lễ lạt lắm. Rất nhiều người khi nói về ông luôn luôn cho rằng, ông có lỗi trong việc làm tan rã Liên bang Xôviết.

Gorbachev: Và ông cũng nghĩ như thế.

Pozner: Ở đây tôi có ý nghĩ hơi khác bình thường một chút. Chắc ông cũng nhớ là trong lần nói chuyện, tôi đã dẫn lời của ông Putin nói rằng, đế chế bị tan rã là vì nước Nga muốn thế. Nếu nước Nga không muốn thì nó đã không tan rã. Theo ông, tại sao nước Nga lại muốn thế? Tại sao nước Nga lại không muốn tiếp tục sống như cũ?

Gorbachev: Điều này nói chung là rất không đơn giản. Nhưng cũng có thể trả lời được một cách đúng đắn tuyệt đối. Bởi lẽ, một khi nước Nga duy trì được những quan điểm mang tính nguyên tắc thì mọi mưu toan làm lay chuyển gì đó đều vỡ ngay khi đụng vào hòn đá tảng đó. Nhưng đằng này chính nước Nga lại bỗng nhiên lung lay. Chuyện gì đó xảy ra ở vùng ven Baltik.

Ban lãnh đạo nước Nga lại là những người có phản ứng đầu tiên. Tôi không cần phải nêu tên họ vì mọi người đều biết cả rồi (ý ông Gorbachev muốn nói tới ông Boris Yeltsin, lúc đó là người lãnh đạo Liên bang Nga nằm trong thành phần Liên bang Xôviết - HTQ). Hơn thế nữa, ông ta lại còn bay lên đó.

Rồi từ đó tổ chức một lá thư gửi tới LHQ. Tôi đã tưởng chuyện đó chỉ là nhất thời thôi, rồi sẽ qua. Thế nhưng, nó đã không qua. Rốt cuộc là mọi sự đã kết thúc, khi bạo loạn (và đây không chỉ là chuyện của riêng nước Nga mà nói chung là cả quá trình phát triển của chúng ta) đã xảy ra như lời đáp cho một cuộc bầu cử chung.

Theo Hồng Thanh Quang (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm