Mây phóng xạ ở Nhật không ảnh hưởng đến Việt Nam

Ngày 16-3, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp báo thông báo sơ lược về nguyên nhân sự cố hạt nhân ở Nhật và mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận mà Việt Nam đang triển khai.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến thông báo ngay khi xảy ra sự cố ở Nhật, Bộ đã thành lập tổ theo dõi, phân tích, đánh giá gồm đại diện của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ hạt nhân và Cục Năng lượng nguyên tử. Tổ thu thập thông tin từ các nguồn cung cấp chính thống của Nhật và ngày 15-3 Bộ đã có báo cáo gửi Thủ tướng và các cơ quan chức năng.

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn cho biết các lò phản ứng xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 thuộc thế hệ cũ (đời đầu thế hệ thứ hai), được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp.

Trả lời báo chí về khả năng ảnh hưởng của phóng xạ từ các lò phản ứng gặp sự cố ở Nhật đối với Việt Nam, ông Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, giải thích: Mây phóng xạ tích tụ do sự cố ở Nhật đều bay lên hướng đông bắc và bay ra biển nên không ảnh hưởng đến Việt Nam. Đến các trạm quan trắc của ta cũng chưa phát hiện hiện tượng bất thường.

Mây phóng xạ ở Nhật không ảnh hưởng đến Việt Nam ảnh 1

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Công Thương

Về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, Viện trưởng Vương Hữu Tấn cho biết: Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định phải sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, bảo đảm độ an toàn và kinh tế cho dự án, do đó chúng ta sẽ lựa chọn lò phản ứng thế hệ thứ ba.

Nếu xảy ra sự cố như ở Nhật, nhà máy ở Ninh Thuận sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người và nguồn điện bổ sung. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng tiêu chí về bảo đảm an toàn.

Tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, đề nghị cần có kịch bản ứng phó với các sự cố xảy ra. Cụ thể là cần tổ chức các đợt diễn tập thường xuyên và xây dựng hệ thống ứng phó sự cố, tăng cường mạng lưới các đài quan trắc.

Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, cũng đồng quan điểm: “Ở nước ta, khả năng xảy ra động đất như ở Nhật không cao. Tuy nhiên, trong thiết kế phải tính đến độ an toàn cho các lò phản ứng cũng như chuẩn bị về con người, đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, cần có các văn bản quy phạm pháp luật về bảo dưỡng. Phải xây dựng và tạo cho người dân tự giác thực hiện văn hóa an toàn”.

Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Quốc hội yêu cầu Chính phủ: Tính toán thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất; nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tác động của các đứt gãy kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án; lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy điện hạt nhân, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý.

(Theo nghị quyết của Quốc hội số 41/2009/QH-QH12 ngày 25-11-2009)

2.000 megawatt là công suất của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Công nghệ là công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ thì nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận được xây dựng trên vùng đất an toàn. Nhưng giờ đây, chúng ta cũng phải xem xét khả năng động đất, sóng thần từ các nước lân cận ảnh hưởng đến nước ta và lường trước những thiên tai khác.

Ông NGUYỄN MINH THUYẾT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

VIẾT THỊNH - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm