Lầu Năm Góc công bố tiềm lực quân sự Trung Quốc

Ngày 18-5 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình Quốc hội báo cáo thường niên về tiềm lực quân sự Trung Quốc. Báo cáo liệt kê như sau:

- Bộ binh: Gồm 1,25 triệu quân với 400.000 quân triển khai đối diện Đài Loan, 7.000 xe tăng, 8.000 khẩu pháo, một máy bay trực thăng mới Z-10 sản xuất trong nước.

- Không quân: Gồm 1.570 máy bay tiêm kích, 550 máy bay ném bom và máy bay cường kích (trong đó có 490 chiếc có thể bay đến Đài Loan mà không cần tiếp nhiên liệu trên không), 300 máy bay vận tải, hơn 100 máy bay trinh sát và thám sát trên không. Lực lượng phòng không được xem là mạnh trên thế giới chủ yếu nhờ tên lửa phòng không Nga S-300. Trung Quốc đang tiếp tục sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình đầu tiên J-20.

- Tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo: Gồm 50-75 tên lửa hạt nhân liên lục địa (ICBM) đạt tầm bắn trên 5.500 km, 75-100 tên lửa đạt tầm bắn đến 3.000 km và 5-20 tên lửa đạt tầm bắn trung bình 3.000-5.500 km. Một số lượng lớn tên lửa do Trung Quốc tự sản xuất.

Trung Quốc đã triển khai 1.000-1.200 tên lửa tầm thấp dưới 1.000 km và 200-500 tên lửa đất đối đất đạt tầm bắn trên 1.500 km đối diện Đài Loan, đồng thời đã thiết lập một tên lửa tầm xa chống hạm mới nhằm chống tàu ngầm Mỹ.

Lầu Năm Góc công bố tiềm lực quân sự Trung Quốc ảnh 1

Tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa lớp Jin của Trung Quốc. Ảnh: CHINESE MILITARY REVIEW

- Hải quân: Gồm hai tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa lớp Jin, năm tàu ngầm hạt nhân tấn công, 48 tàu ngầm diesel. Tàu sân bay đầu tiên có thể hoạt động trong năm nay dùng để huấn luyện. Ngoài ra còn có 26 tàu khu trục chống ngư lôi, 53 tàu hộ tống, 51 tàu vận tải thủy lục, 86 tàu tuần tra phóng tên lửa. Số mìn dưới nước đã vượt trên 50.000 quả.

Theo báo Wasshington Post (Mỹ), báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu một số nhận xét:

- Trung Quốc đang tận dụng các công nghệ liên quan đến quốc phòng trong lĩnh vực tư nhân để tăng cường sức mạnh quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Hầu hết công nghệ nêu trên là của Mỹ.

- Trung Quốc đang nhắm mục tiêu tận dụng và sở hữu công nghệ quân sự theo cách hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Hoạt động trao đổi của Trung Quốc với các tập đoàn hàng không phương Tây nhằm làm lợi cho ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc.

- Trung Quốc đang thực hiện hoạt động gián điệp không gian mạng nhằm thu thập thông tin tình báo chiến lược của chính phủ và các công ty tư nhân Mỹ, đặc biệt là thông tin về an ninh không gian mạng.

- Tình hình đầu tư liên tục vào quốc phòng của Trung Quốc bộc lộ mục tiêu nhằm ngăn chặn kẻ thù tiếp cận các khu vực chiến lược như biển Đông. Trọng tâm nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào bán đảo Đài Loan.

- Trung Quốc đang theo đuổi các mục tiêu vượt xa hoạt động bảo vệ lãnh thổ bao gồm viện trợ nhân đạo, chống cướp biển ở vịnh Aden và chống khủng bố.

Từ năm 2000, hằng năm Bộ Quốc phòng Mỹ đều trình lên Quốc hội báo cáo về đầu tư quân sự của Trung Quốc.

Từ ngày 29-6 đến 3-8, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vòng tròn Thái Bình Dương 2012 (RIMPAC 2012) sẽ diễn ra tại Hawaii (Mỹ). Mục đích nhằm phối hợp duy trì hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương. Theo CBC News (Canada) ngày 17-5, quy mô tập trận lớn hơn nhiều so với tập trận lần trước. 22 nước tham gia với 42 tàu chiến, sáu tàu ngầm, hơn 200 máy bay, 25.000 binh sĩ. Điều này chứng tỏ các nước tham gia ngày càng quan tâm đến Thái Bình Dương. RIMPAC 2012 ra đời từ năm 1971, được tổ chức hai năm một lần với mục đích ban đầu là đối phó với nguy cơ thù địch từ Trung Quốc.

ĐĂNG KHOA 

DUY KHANG - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm