Kỷ nguyên Robot - bài cuối: Chiến tranh người máy

Đại chiến người - Robot?

Buổi hội thảo diễn ra vào đầu năm 2015 giữa một nhóm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng hình thường xem đến năm 2050, chiến trường sẽ khác biệt ra sao. Kết thúc hội thảo, nhóm đã đưa ra kết luận: con người sẽ trở thành thiểu số trên chiến trường hiện đại.

 Robot sẽ là nhân tố chính của chiến trường?

Cụ thể, hội thảo đưa ra bảy công nghệ có khả năng định hình chiến trường trong tương lai: chiến binh con người được điều chỉnh cơ thể; các quá trình tự động hóa và tự ra quyết định; chiến tranh thông tin; nhắm mục tiêu cấp vi mô; tự tổ chức cấp cao và ra quyết định tập thể; phân tích nhận thức của đối thủ; và khả năng hiểu biết, nhận dạng vấn đề trong môi trường thù địch với nguồn thông tin không đầy đủ. 
Theo đó, nhịp độ trên chiến trường sẽ diễn tiến nhanh hơn nhiều đối với một người lính bình thường, dẫn đến việc người máy sẽ được tự ra quyết định và con người ít kiểm soát hơn. Điều này dẫn đến việc các hệ thống tự động phải được trang bị khả năng phân tích và tự động hóa hoàn thiện hơn so với hiện nay, đồng thời đòi hỏi các nhà sản xuất công nghệ phải tăng cường khả năng chống xâm nhập cũng như ngăn chặn một kịch bản như trong phim Terminator diễn ra.

Bên cạnh sự hợp tác người – robot, năm 2050 cũng sẽ chứng kiến những chiến binh con người được điều chỉnh cơ thể chiến đấu cùng những người bình thường. Theo ứng viên Tổng thống Mỹ Zoltan Istvan, “Quân đội muốn tạo ra siêu nhân vì bây giờ thật khó chấp nhận cho người lính phải chết trên chiến trường. 

Ở mọi nơi đều có phóng viên nằm vùng để ghi lại mọi thứ. Do đó quân đội Mỹ muốn có trong tay những siêu chiến binh và các cỗ máy tối tân để chiến đấu thay cho chúng ta. Những siêu chiến binh sẽ sống sót dễ dàng hơn. Còn đối với máy móc, chúng dễ dàng chấp nhận bị tiêu hủy hơn”.

Kịch bản này đang dần trở thành hiện thực khi vào đầu tháng Hai này, Lầu Năm Góc vừa tiết lộ yêu cầu ngân sách cho năm 2017. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dã yêu cầu tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự lên 71,4 tỷ USD.
Trong báo cáo của ông đã vạch ra một số nghiên cứu dài hạn của quân đội Mỹ đang cần cung cấp ngân sách, với lô trình nghiên cứu trong vòng ba thập niên kế tiếp, chủ yếu tập trung vào các công nghệ tự động hóa và hiện đại hóa như bom thông minh; các phương tiện tự động với số lượng lớn có thể áp đảo đối phương hoặc làm nhiệm vụ tuần tra canh gác... nhằm chống lại những đối thủ hiện đại khác.
“Cụ thể, trong những năm tới, quân đội Mỹ sẽ chiến đấu rất khác so với lúc ở Iraq và Afghanistan hay so với thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh này, Nga và Trung Quốc là những đối thủ đáng gờm nhất của chúng ta. Họ đã và đang tiếp tục phát triển hệ thống quân đội tối tân nhằm đe dọa lợi thế của chúng ta trong nhiều khu vực cụ thể. Trong một số trường hợp, các nước này đang phát triển vũ khí và phương thức chiến tranh nhằm đạt được mục tiêu nhanh chóng trước khi chúng ta có thể phản ứng.” Ông nhận định.

Vào đầu năm 2016, quân đội Mỹ đã cho thử nghiệm một loại robot vận chuyển trên bộ có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát, theo dõi và vận chuyển đồ cho binh sĩ tại chiến trường. Đây là một trong nhiều ứng dụng robot trong quân đội đang được Mỹ triển khai với hy vọng có thể thay thế binh lính bằng các cỗ máy tự vận hành vào năm 2030.

 BigDog - ứng dụng mới của robot trong hỗ trợ chiến trường

Không chỉ có Mỹ, vào cuối năm 2015, Nga cũng tuyên bố đang phát triển các hệ thống tự động tiên tiến cho quân đội nước này. Một tướng lĩnh Iran cũng nhận định nước này sẽ phát triển người máy trang bị tên lửa và súng máy trong thời gian tới.
Luận điểm này đã được chứng thực qua việc các thiết bị điều khiển từ xa đã được phiến quân và binh lính Iraq sử dụng trong cuộc chiến hiện nay ở Syria.
Hàng điện tử dân dụng: biến chiến tranh robot thành hiện thực
Chiến tranh robot nếu có thể phát triển được đến như vậy trong tương lai, không thể không kể đến công của thiết bị công nghệ tiêu dùng đang được phát triển ồ ạt.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ, kể từ khi các nước công nghiệp hóa bắt đầu phát triển, giới quân sự đã tìm cách tiêu giảm tối đa số lượng phi hành đoàn cần trong chiến tranh, dễ thấy nhất là khi so sánh khả năng của một máy bay tiêm kích hiện đại với một phi đội máy bay thời Thế chiến II. 
Tuy vậy, xu hướng lấy số lượng bù chất lượng đang quay lại khi hệ thống không người lái trở nên rẻ hơn do được phép sử dụng rộng khắp mà không cần quân đội kiểm soát. Cụ thể, các quân đội sẽ có xu hướng chuyển sang dùng số lượng lớn các thiết bị không người lái rẻ tiền, có khả năng “thí chốt” để phá hoại phòng tuyến đối phương với chi phí tối ưu nhất. 

Với việc giá cả thiết bị ngày càng rẻ như hiện nay, như GPS, bộ tín hiệu hồng ngoại, thiết bị quang học,… cùng với công nghệ robot ngày càng hoàn thiện và dễ tiếp cận hơn, khoảng cách về công nghệ giữa các thiết bị không người lái tự chế tạo và các loại UAV tối tân như Predator đang ngày càng thu gọn lại. 

 Cần có một nền tảng luân lý cho robot?

Cần một nền tảng đạo đức cho robot?

Trong thời điểm khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển, những vấn đề về sử dụng robot trong các lĩnh vực nhạy cảm cần được những người hiểu rõ công nghệ này chung tay giải quyết. Xu hướng tự động hóa hoàn toàn được phe diều hâu ủng hộ với luận điệu giảm đi xương máu của binh lính. 

Trong các cuộc chiến tranh hiện tại, đây là yếu tố quan trọng mà người chỉ huy phải suy tính để ra quyết định có tấn công hay không. Tuy vậy, trong tương lai, nếu hai đội quân người máy chạm trán nhau, nguy cơ giao tranh là rất lớn, việc thỏa hiệp trên mặt trận ngoại giao do vậy cũng khó thành công hơn. 

Vậy còn một cuộc chiến tranh giữa máy móc và con người? Đạo đức của người máy là một vấn đề đang được bàn luận sôi nổi. Xin trích dẫn học giả Quan hệ quốc tế người Mỹ P.W. Singer trong bài thyết trình tại Ted: “Một nhà khoa học về người máy tại Lầu Năm góc từng nói với tôi rằng: “Đối với người máy, không thật sự có các vấn đề xã hội, luân lý hay đạo đức. Trừ khi cỗ máy liên tục giết nhầm người. Khi đó, đây chỉ là sản phẩm bị lỗi.”” 
Theo giới chuyên môn, trước khi là cho người máy thông minh hơn, cần phải dạy cho chúng cách nói “không” khi nhận thức được mệnh lệnh của con người trái với luân lý. 
Nếu như AI và người máy sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa, những vấn đề cảm tính như nhận biết được cảm xúc con người hay nhận biết được hành động làm hại con người hay bản thân robot sẽ là công cụ không thể thiếu trong việc vận hành không có người điều khiển.
Sẽ còn nhiều việc cần phải làm trước khi người máy được tự động hóa hoàn toàn đầu tiên ra đời. Thế giới sẽ còn cần nhiều năm nữa để được thấy kết quả cuối cùng, song những nền tảng thai nghén cho kiệt tác này giờ đây không còn nằm trong truyện khoa học viễn tưởng nữa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm