“Kẻ đốt đền” thời nay

Những kẻ điên chăng? Hay họ phẫn uất bởi bản thân mình không tự tay sáng tạo nên các tác phẩm để đời?

"Nếu trên một cành cây có 12 con chim và người thợ săn đã bắn chết 8 con, vậy trên cây còn lại mấy con?". "4 con!", Vincenzo Peruggia - kẻ bị bắt hồi năm 1913 vì tội đánh cắp bức tranh "Mona Lisa" nổi tiếng - trả lời ngay tức khắc.

"Câu trả lời thường có ở những kẻ kém minh mẫn. Trong thực tế trên cây chẳng còn sót lại con nào cả, bởi những con chim sống sót sẽ bay đi hết", Giáo sư L.Amaldi, nhà tâm lý tội phạm học lừng danh thế giới, người trực tiếp đảm nhận trách nhiệm điều tra "Vụ Mona Lisa", giải thích trong phiên tòa xử V.Peruggia được mở tại Florence (Italia). Đó là một trong những kết luận từ một loạt các cuộc thực nghiệm về tâm lý, cho thấy V.Peruggia là một kẻ "có trí óc kém phát triển, hão huyền và vô trách nhiệm".

“Kẻ đốt đền” thời nay ảnh 1

V.Peruggia - Thủ phạm trộm một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới

Vậy với Robert Arthur Cambridge, một kẻ thất nghiệp 37 tuổi, vào tháng 7/1987 đã dùng súng bắn vào bức kiệt tác "Madonna và con trai cùng nữ thánh Anne" của nhà đại danh họa Leonardo da Vinci tại Phòng trưng bày hoàng gia ở London City, thì sao? "Đó là một thằng... khùng!", vị đại diện Sở Cảnh sát London nhận xét sau khi R.Cambridge bị tóm. Nhưng tại sao không "điên khùng" ở những chỗ khác, mà lại nhằm vào các giá trị nghệ thuật để đập phá? Phải chăng Robert muốn nổi danh như tên đốt đền Herostratus ngày xưa?

Trong nhiều trường hợp bọn phá hoại thường nhằm vào các tác phẩm nghệ thuật miêu tả phụ nữ. Chính bức kiệt tác bị bắn nói trên, cách đấy 20 năm, vào năm 1967 một kẻ du lịch từ Đức tới đã định... rạch nát và đổ sơn be bét lên đó. Còn hồi năm 1956, tên Alsaga Viliagas mang quốc tịch Đan Mạch đã cáu tiết ném... đá vào bức "Mona Lisa" nức tiếng kia. Hay giữa năm 1972, tên Laszlo Toth người Australia gốc Hungary đã dùng dao gạch nhăng nhít làm hỏng pho tượng "Pietà" tuyệt đẹp của Michelangelo, một kiệt tác huyền thoại thời Phục hưng trong giáo đường San Pietro ở Rome...

“Kẻ đốt đền” thời nay ảnh 2

Ngôi đền đồ sộ thờ nữ thần săn bắn Artemis đã vĩnh viễn đi vào tro bụi của lịch sử

Trong quá khứ, ngay đầu thế kỷ XIX,  một kẻ "có vai vế "đã dùng búa và đục phá nát bức tượng "Nàng tiên xứ Elin" đặt tại Siracuza. Đây chính là pho tượng từng được coi là "sản vật văn hóa đẹp nhất" tiêu biểu cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại; bức tranh "Thiên thần đứng trước gương" của Velasces gạo cội thời Phục hưng, đã bị Maria Richardson người Thụy Điển rạch  7 nhát dao vào đầu thế kỷ XX; còn bức "Nữ thần cùng bầy tiên" của Rubens  chút nữa bị ông Pier Guiar 70 tuổi người Pháp... cắt thành trăm mảnh trong một gian trưng bày thuộc Bảo tàng Louvre tại Paris, bởi: "Nữ  thần dám... nhìn xách mé" ông ta (?!).

Cách đây hơn 3 thập niên, những kẻ vô danh đã làm hỏng các pho tượng vô giá thuộc quần thể tượng đài phun nước trên quảng trường Pretoria ở Palermo - thủ phủ đảo Sicile (Italia). Hai bức tượng phụ nữ Venera và Diana bị hư hại nặng nề nhất: bị đập vỡ đầu và tay... "Danh sách những ví dụ kiểu như  trên dài dằng dặc không kể xiết!", Chánh thanh tra Roberto Gabriani, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Italia, quả quyết trong một cuộc họp báo mới đây.

“Kẻ đốt đền” thời nay ảnh 3

Tác phẩm điêu khắc "Pietà" trứ danh của Michelangelo

Cho đến giờ vẫn còn dư âm quanh vụ họa sĩ Nuncio Guglielmo với kiệt tác "Đám cưới của Nữ  thần" tô điểm Viện Hàn lâm Nghệ thuật nổi tiếng mang tên Berara ở Milano (Italia): kẻ sĩ bất tài đã dùng nĩa và dao ăn khắc tên tuổi cùng số điện thoại nhà riêng của mình lên đó - "để mọi người biết đến nhằm... lưu danh với hậu thế" (!).

"Với tính háo danh y như Herostratus, kẻ vào năm 356 tr.CN đã đốt ngôi đền Artemis, 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại - nhà tâm lý tội phạm hình sự học Aldo Caroterudo nói - Đồng thời biểu hiện lòng ghen tị với những tác phẩm đã đạt tới độ siêu hạng mà người thời nay không thể lặp lại được".

Cũng như với trận hỏa hoạn tại Điếm Vàng ở cố đô Kyoto của nước Nhật, một kỳ quan có từ thế kỷ XIV và luôn được coi là một trong những biểu tượng hàng đầu về nghệ thuật kiến trúc của xứ Phù Tang, do một phật tử người bản địa chủ mưu đốt dạo đầu thập niên 50 thế kỷ trước bởi muốn... nổi danh!

Những kiệt tác nghệ thuật ngày càng mai một dần: do thời gian cùng thiên nhiên khắc nghiệt, do trộm cắp để buôn đi bán lại kiếm lời,... và bây giờ tới lượt bị phá hủy... không thương tiếc (mafia cũng bắt đầu áp dụng phương sách này để trả thù những hoạt động ruồng bố chúng). Mọi người, mọi dân tộc, ở mọi lúc mọi nơi cần phải ra sức góp phần giữ lấy những di sản văn hóa bất hủ của nhân loại! Đó là lời cảnh báo cho những ai có lương tri tiến bộ.

Theo T.Q.Long (ANTG/Panorama)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm