Vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử công nghiệp Mỹ

Bàn tay của một bức tượng gần trụ sở của GM tại thành phố Detroit, bang Michigan - Ảnh: Getty Images.
Bàn tay của một bức tượng gần trụ sở của GM tại thành phố Detroit, bang Michigan - Ảnh: Getty Images.

Nguồn tin thân cận cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu trước toàn thể nước Mỹ về thời khắc được xem là lịch sử đối với cả GM và đất nước này. Tài liệu công bố hôm Chủ Nhật vừa rồi của chính quyền Obama chuẩn bị cho đơn phá sản của GM nhận định, vụ phá sản này sẽ đánh dấu “một kết thúc cho GM cũ và một khởi đầu cho GM mới”.

Những chủ nhân mới

Đơn bảo hộ phá sản của GM sẽ tuân theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Theo đó, sau khi kết thúc quá trình phá sản, GM sẽ trở thành một tập đoàn có quy mô nhỏ gọn hơn ban đầu, với chỉ những nhà máy, thương hiệu, nhà phân phối và hợp đồng có khả năng đem lại lợi nhuận mới được phép tồn tại. Tất cả những mảng gây thua lỗ cũng như những nghĩa vụ nợ khác mà GM mất khả năng chi trả sẽ bị gạt sang bên.

Dự kiến, chính quyền Obama sẽ cam kết tung thêm 30 tỷ USD, ngoài khoảng 19,4 tỷ USD đã cấp cho GM trong thời gian qua, để giúp hãng xe này bù đắp thua lỗ và có vốn cho hoạt động. Đổi lại, Chính phủ Mỹ sẽ nhận được 60% cổ phần trong GM mới sau quá trình tái cơ cấu, cộng với lượng nợ và cổ phiếu ưu đãi trị giá 8,8 tỷ USD do GM phát hành.

Một quỹ cung cấp phúc lợi y tế cho công nhân nghỉ hưu của GM do Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (UAW) thành lập sẽ nắm giữ 17,5% cổ phần trong GM và có quyền mua thêm 2,5% cổ phần nữa trong hãng.

Chính phủ Canada và chính quyền bang Ontario của nước này sẽ cho GM vay số tiền 9,5 tỷ USD và nhận được cổ phần 12% trong GM mới.

Về phần mình, các chủ nợ đã cho GM vay 27 tỷ USD, bao gồm cả các trái chủ của hãng, sẽ “ngậm đắng nuốt cay”, chịu mất phần lớn số tiền này. Thay vào đó, họ chỉ nhận được 10% cổ phần trong GM mới và có quyền mua thêm 15% cổ phần nữa của hãng.

Những cổ đông hiện tại của GM sẽ mất trắng trong vụ phá sản này. Giá cổ phiếu của GM đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước ở mức 0,75 USD/cổ phiếu, thấp nhất từ năm 1932 tới nay.

Dự kiến, cổ phiếu của GM mới sẽ không được giao dịch đại chúng trong vòng ít nhất 6-18 tháng.

Những hệ quả

Đối với GM, phá sản sẽ chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình “đại cải tổ” nhằm dẫn tới sự ra đời của một công ty có quy mô nhỏ bé hơn rất nhiều.

Vụ phá sản này sẽ có tác động lan rộng trên phạm vi toàn nước Mỹ, từ các nhà cung cấp tới các doanh nghiệp cả lớn lẫn bé khác hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô ở đây.

Từng là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất trong khu vực kinh tế tư nhân, tới thời điểm này, GM chỉ còn lại một phần số nhân công mà hãng đã có trước đây. Hiện 80.000 công nhân làm việc theo giờ và theo hợp đồng dài hạn của GM tại Mỹ chỉ bằng phân nửa số công nhân mà hãng sử dụng vào năm 2001.

Trong quá trình tái cơ cấu, GM phải cắt giảm số việc làm lên tới 20.000 và đóng cửa trên một chục nhà máy trong thời gian từ nay tới năm 2010. GM cũng đã tuyên bố, hãng sẽ cho “về hưu” khoảng 40% trong mạng lưới với tổng số 6.000 đại lý bán lẻ trong thời gian từ nay tới năm sau. Ngoài ra, 4 thương hiệu Hummer, Saab, Saturn và Pontiac cũng sẽ trở thành dĩ vãng.

Thêm vào đó, khoảng 300.000 nhân viên làm việc cho các nhà phân phối của GM sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn công nhân làm việc tại các hãng linh kiện, phụ tùng, và các nhà cung cấp của GM - nơi số việc làm phụ thuộc vào số phận của “ông lớn” này.

Mặt khác, gần 500.000 công nhân nghỉ hưu của GM tại Mỹ, cũng như trên 150.000 người thân của những công nhân này, phụ thuộc vào các kế hoạch bảo hiểm y tế và lương hưu của GM. Các công nhân về hưu sẽ bị cắt giảm bảo hiểm y tế, mặc dù quỹ lương hưu đang thiếu vốn của GM được dự báo sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi vụ phá sản.

Động thái tiếp quản GM của Chính phủ Mỹ, cho dù hoạt động quản lý của Chính phủ trong hãng xe chỉ là tạm thời, cũng đánh dấu một sự chuyển biến lớn đối với hãng xe đã trăm năm tuổi này. Từ năm 2005 tới nay, GM đã thua lỗ tổng số tiền 90 tỷ USD. Thị phần của hãng tại Mỹ đã giảm xuống 19% từ mức 40% vào năm 1980.

GM và các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đàm phán nhiều tuần ròng rã với các chủ nợ và UAW. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán căng thẳng và tranh luận tại tòa sẽ còn kéo dài nhiều tháng tới, sau khi đơn phá sản của GM được đệ lên.

Mặc dù phần lớn các trái chủ lớn của GM đã nhất trí thôi kiện tụng và chấp nhận đổi trái phiếu lấy cổ phần trong hãng, nhiều trái chủ nhỏ hơn đã thề sẽ “chiến đấu” chống lại kế hoạch tái cơ cấu GM vì cho rằng, họ xứng đáng phải được nhận một mức cổ phần lớn hơn. Những người này cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ và quỹ bảo hiểm y tế của UAW nhận được cổ phần quá lớn, còn họ thì mất mát quá nhiều.

Ý định của Chính phủ Mỹ

Người dân phải đóng thuế ở Mỹ sẽ được lợi từ khoản tiền thuế mà Chính phủ sử dụng cho GM vay, nếu như giá cổ phiếu của hãng xe mới tăng mạnh sau khi hãng kết thúc thành công quá trình phá sản.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Obama cho biết, mục đích của việc Chính phủ Mỹ giành cổ phần đa số trong GM là nhằm mục đích hồi lại một phần tiền đã chi ra để giải cứu GM. Theo vị quan chức này, Chính phủ Mỹ không có ý định can thiệp sâu vào hoạt động của GM mới. “Đây không phải là kết cục mà chúng tôi mong muốn hay tìm kiếm. Đó là một kết cục cần thiết”, vị quan chức này nói.

Cũng theo vị quan chức này, Chính phủ Mỹ sẽ cố gắng thu hồi lại số tiền đã chi cho GM ở mức nhiều nhất có thể, nhưng cũng sẽ bán lại số cổ phần trong hãng xe này trong thời gian sớm nhất có thể. “Hai mục tiêu này rõ ràng là mâu thuẫn với nhau”, vị quan chức này nhận xét.

Nhiều quan chức khác cho rằng, động thái bơm tiền của Chính phủ vào GM lần này không thể loại trừ khả năng các nhà chức trách còn phải cấp thêm vốn cho GM trong thời gian tới để đưa sức cạnh tranh trở lại với hãng xe này.

Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu Chính phủ Mỹ có thể thu hồi khoản đầu tư vào GM trong mấy năm tới. GM sắp tới sẽ vẫn gặp khó khăn do nhu cầu yếu trên thị trường ôtô, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ nặng ký như Toyota hay Ford.

Chính quyền Obama cho biết, họ sẽ không ra quyết định về ai sẽ ngồi trong ban lãnh đạo của GM mới, mặc dù họ sẽ được tham vấn về vấn đề này. CEO Fritz Henderson, người mới đây thay thế cựu CEO Rick Wagoner, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong thời gian tới.

Theo VnEconomy/ CNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm