Nhà giàu Mỹ đối mặt với sắc thuế cao chót vót

Phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đang rốt ráo với các kế hoạch thu chi ngân sách năm tới, trong đó đề nghị nâng thuế đối với những người được cho là giàu có trong xã hội.

Ảnh:

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tham gia cùng các nghị sĩ phe Dân chủ công bố dự thảo luật thuế mới. Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tham gia cùng các nghị sĩ phe Dân chủ công bố dự thảo luật thuế mới. Ảnh: AP

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện công bố dự thảo luật hôm thứ ba, đề xuất 3 bậc thuế mới cho người thu nhập cao. Nếu được thông qua, đây sẽ là thuế suất cao nhất kể từ 1986, khi Mỹ còn duy trì mức 50% đánh vào giới nhà giàu.

Số gia đình thu nhập trên 350.000 USD hiện chiếm khoảng 1,2% những người đang lao động kiếm tiền ở Mỹ. Với kế hoạch thuế mới, ngân sách nhà nước sẽ có thêm 544 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, giúp trang trải hơn một nửa chi phí cho chương trình chăm sóc sức khỏe người dân. Nó cũng giúp ông Obama giữ đúng lời hứa khi vận động tranh cử, rằng sẽ không tăng thuế đánh vào các gia đình thu nhập dưới 250.000 USD. Tuy nhiên, một lời hứa khác của vị tổng thống da màu sẽ bị phá vỡ. "Không một gia đình nào sẽ phải chịu thuế suất cao hơn mức thuế đã đóng hồi những năm 1990", cam kết này từng đăng tải ngay trên website vận động tranh cử của Obama.

Chính quyền ông Obama đang xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên, để có tiền cho chương trình đó, nhiều khả năng người ta sẽ phải phá vỡ các cam kết tranh cử của tổng thống. Dự luật thuế nếu được thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 2011, theo đó, các gia đình thu nhập trên 1 triệu USD sẽ phải dành thêm 5,4% thu nhập để đóng thuế. Khoản "phụ thu" thuế đối với các gia đình thu nhập trên 350.000 USD đến 500.000 USD là 1%, và trên 500.000 USD đến 1 triệu USD là 1,5%. Nếu đến 2013, vẫn chưa đủ nguồn cho chương trình y tế cộng đồng, mức thuế phụ thu đối với các gia đình giàu có sẽ tiếp tục nâng lên gấp đôi.

Hiện tại, bậc cao nhất trong biểu thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ là 35%. Ông Obama đang muốn hủy các ưu đãi dưới thời Tổng thống George Bush, đưa mức thuế cao nhất lên 39,6% vào năm 2011.

Nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, các gia đình giàu có từng hưởng nhiều ưu đãi trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống George Bush, thuế suất thấp và thu nhập của họ tăng đột biến, nay phải có trách nhiệm nộp thuế nhiều hơn. Tuy nhiên, phe Cộng hòa không đồng tình với lý do thuế suất cao sẽ làm tổn thương chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị sĩ Charles Rangel, một nhân vật có vai vế trong ban soạn thảo các luật còn coi đó là vấn đề mang tính đạo đức.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner gọi dự luật là sát thủ việc làm (job killer), có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó gián tiếp đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. "Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, điều cuối cùng Quốc hội có thể làm là trừng phạt doanh nghiệp nhỏ, nhóm đang tạo ra một lượng đáng kể công ăn việc làm cho cái đất nước này", nghị sĩ Boehner nói.

Phe Dân chủ đưa ra số liệu cho thấy chỉ 4,1% doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng bởi sắc thuế mới. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ cho rằng luật thuế sẽ cản trở khối doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, đầu tư và tạo công ăn việc làm.

"Sắc thuế mới sẽ để lại hậu quả lâu dài cho kinh tế Mỹ và sẽ làm mất nhiều công ăn việc làm", ông Jay Timmons, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ nhấn mạnh trong thư gửi quốc hội.

Theo Song Linh (theo AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm