Đài Loan tha thiết mua tàu ngầm Mỹ

Đài Loan tha thiết mua tàu ngầm Mỹ ảnh 1

Một tàu ngầm của Đài Loan: Ảnh: Wantchinatimes

Lãnh đạo Đài Loan, ông Mã Anh Cửu bày tỏ ý định trong cuộc gặp với nhóm nghị sĩ Mỹ được dẫn đầu bởi ông Edward Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, AFP đưa tin. "Hai chiếc tàu ngầm lớp Guppy đã tới Đài Loan hơn 40 năm trước khi tôi còn trong quân ngũ. Giờ thì hai tàu này thực sự quá cũ kỹ và cần được thay thế", ông Mã nói với các vị khách Mỹ.

Lãnh đạo Đài Loan muốn nhắc tới hai chiếc tàu ngầm chạy động cơ diesel được đóng vào những năm 1940. Các nghị sĩ Mỹ đã thấy hai tàu này khi tới căn cứ Tsoying ở phía nam của đảo Đài Loan. Sau khi ngừng phục vụ trong hải quân Mỹ, hai tàu ngầm cũ này được bán cho Đài Loan vào năm 1973 và từ đó đến nay được sử dụng cho mục đích huấn luyện.

Ông Royce cho hay nhóm của ông đã có đàm phán với các quan chức Đài Loan về các phương án khả dĩ để dỡ bỏ những rào cản đối với hợp đồng các tàu ngầm, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết nào.

Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan, bất chấp việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979. Tháng 4/2001, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã chấp thuận việc bán 8 tàu ngầm loại thường như một phần trong gói vũ khí toàn diện nhất mà Washington dành cho Đài Loan kể từ năm 1992. Tuy nhiên, từ đó đến nay, có rất ít tiến triển trong việc thực hiện thương vụ này.

Mỹ đã không đóng mới các tàu ngầm thường từ hơn 40 năm qua, trong khi Đức và Tây Ban Nha được cho là từ chối bán thiết kế của các nước này vì lo ngại làm mếch lòng Trung Quốc. Đài Loan hiện có hai tàu ngầm khác do Hà Lan chế tạo. Đây cũng là hai tàu ngầm hiếm hoi có thể được triển khai khi có chiến tranh.

Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã hạ nhiệt đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền, với việc tăng cường trao đổi thương mại với đại lục và cho phép khách du lịch Trung Quốc tới Đài Loan nhiều hơn. Ông Mã tái đắc cử hồi tháng 1/2012. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có nhu cầu hiện đại hóa lực lượng phòng thủ, trong khi Trung Quốc vẫn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ chờ sáp nhập, kể cả bằng biện pháp vũ lực.

Theo Nhật Nam (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm