Cứu hộ nỗ lực hết sức dù hy vọng mong manh

Thân nhân các hành khách chuẩn bị cho tin tức xấu nhất về chiếc Airbus số hiệu AF 477. (Ảnh: AP)
Thân nhân các hành khách chuẩn bị cho tin tức xấu nhất về chiếc Airbus số hiệu AF 477. (Ảnh: AP)

Pháp tin rằng có rất ít hy vọng tìm thấy người sống sót.

Chiếc Airbus A330 đã gặp nạn khi đang hành trình từ thành phố Rio de Janeiro của Brazil tới thủ đô Paris của Pháp. Nó đã phát đi một tin nhắn tự động 4 giờ sau khi rời Rio de Janeiro, thông báo về sự cố đoản mạch khi bay qua vùng thời tiết xấu trên Đại Tây Dương.

Các nhà chức trách Pháp tin rằng máy bay đã bị bão đánh hỏng. Trong khi đó, hãng tin Agencia Estado của Brazil cho biết, dựa vào phân tích báo cáo của phi hành đoàn trước khi mất tích trên Đại Tây Dương, chiếc máy bay của hãng Air France chở 228 người từ Rio de Janeiro đến Paris có thể đã gặp sự cố chập điện.

Nguyên nhân chính xác chỉ được khẳng định sau khi tìm thấy hộp đen.

Những giờ phút này, các nhân viên sân bay Charles de Gaulle ở Paris và sân bay Jobim ở Rio đang cố gắng giúp đỡ thân nhân và bạn bè của những người mất tích.

Hành khách trên máy bay bao gồm các công dân của 32 nước khác nhau song đa số là người Pháp và Brazil. Nếu không ai được tìm thấy còn sống, đây sẽ là một sự thiệt hại nhân mạng lớn nhất liên quan đến một máy bay của Air France trong lịch sử 75 năm của hãng này.

Các nguồn tin Pháp và Mỹ loại trừ khả năng khủng bố là nguyên nhân khiến máy bay mất tích.

Nhờ Mỹ giúp tìm manh mối

Lực lượng cứu hộ đã thu hẹp cuộc tìm kiếm của họ vào một vùng nằm giữa Brazil và Tây Phi, theo Pierre-Henry Gourgeon, Tổng giám đốc Air France.

Brazil đã cử tổng cộng 7 máy bay của Không lực nước này cùng 3 tàu Hải quân tới tham gia công tác cứu hộ. "Chúng tôi muốn tới điểm cuối cùng mà máy bay còn giữ liên lạc. Nó nằm cách Natal khoảng 1.200km về phía đông bắc", phát ngôn viên Không lực Brazil cho hay.

Chính phủ Pháp cũng đã cử máy bay quân sự từ Dakar, Senegal, tới hợp sức cùng với các máy bay của Tây Ban Nha và Senegal.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy xác nhận chính phủ của ông đang yêu cầu Washington giúp đỡ.

Trước đó, một trợ tá giấu tên của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tiết lộ rằng Paris đã liên lạc với Lầu Năm Góc để "được tiếp cận khả năng quan sát qua vệ tinh và các trạm thu thập thông tin với hy vọng tìm ra manh mối nào đó".

Maria Celina Rodrigues, lãnh sự Brazil ở Paris, thừa nhận độ sâu của Đại Tây Dương sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn. "Lực lượng cứu hộ hy vọng có thể tìm được các mảnh vỡ hay áo phao nổi trên mặt nước nhưng điều đó sẽ mất thời gian. Họ đang phối hợp với các cơ quan khí tượng và các quan chức giám sát hải lưu để khoanh vùng khu vực".

"Lao vào bão sấm"

Chiếc Airbus số hiệu AF 477 đang bay ở độ cao 10.670m so với mặt nước biển ngay trước khi biến mất.

Nhà khí tượng học Henry Margusity thuộc AccuWeather.com cho hãng tin AP hay rằng các cơn bão sấm ở Đại Tây Dương có thể vọt lên khoảng 15.240m. "Ở độ cao mà máy bay đang hoạt động, có thể nó đã bay thẳng vào vùng tích nhiều điện nhất của cơn bão".

Các quan chức Pháp nhấn mạnh viên cơ trưởng là người có rất nhiều kinh nghiệm, đã thực hiện hơn 11.000 giờ bay.

Đích thân Tổng thống Nicolas Sarkozy đã gặp gỡ người thân và bạn bè của các hành khách tại một trung tâm khủng hoảng vừa được thiết lập bên trong sân bay Charles de Gaulle. "Tôi đã thông báo với họ sự thật. Triển vọng tìm thấy người sống sót là rất thấp", ông Sarkozy nói.

Theo Thanh Hảo (VNN/ BBC, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm