DƯ LUẬN MỸ, THẾ GIỚI PHẪN NỘ:

Cái chết của một “người vô hình”

Cái chết của một “người vô hình” ảnh 1

Người biểu tình giơ cao di ảnh của Martin trong cuộc biểu tình đòi công lý cho nạn nhân - Ảnh: Reuters

Tất cả người Mỹ gốc Phi đang trải qua một kinh nghiệm đau đớn vào lúc này khi hình dung có ai đó nhìn thẳng vào mình nhưng không hề thấy mình, như thể mình đang biến thành một màn kính trong suốt, như thể mình đang bốc thành mây khói, như thể, cách nào đó, mình đang có mặt ở đây nhưng lại không tồn tại.

Nhà văn Ralph Ellison từng mô tả hiện tượng này một cách đau xót trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình như sau: “Tôi là một người vô hình. Không, chẳng có gì ăn nhập với những bóng ma từng ám ảnh Allan Poe, chẳng có gì ăn nhập với những nhân vật có ngoại chất của điện ảnh Hollywood cả. Tôi là một người thật, bằng xương bằng thịt, và thậm chí có thể nói rằng tôi còn có một tâm hồn. Tôi là người vô hình, hãy hiểu đúng cho tôi, bởi vì mọi người từ chối thấy tôi”.

Trayvon Martin đã bị giết chết ngày 26-2 vừa qua ở Sanford, Florida, 60 năm sau khi cuốn tiểu thuyết Người vô hình: ta hát cho ai? của Ralph Ellison được xuất bản. Hoàn cảnh cái chết của cậu bé da đen 17 tuổi này trong tay không có một tấc sắt lại đang cho thấy 60 năm sau khả năng (bị) vô hình vẫn đang đè nặng lên thân phận của những người da đen ở Mỹ.

Nhìn mà không thấy

Mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy: vào một buổi chiều mưa ngày 26-2, cậu thiếu niên da đen 17 tuổi Trayvon Martin đến thăm cha tại thị trấn Sanford. Cậu ngồi xem bóng rổ. Nghỉ giữa hiệp, cậu rời khỏi nhà để ra siêu thị 7-Eleven mua chút gì về nhấm nháp. Trời mưa nhẹ, và Trayvon Martin mặc một áo khoác có cổ trùm và chiếc quần jean. Sau khi mua kẹo và trà chanh quay về, cậu gây chú ý cho George Zimmerman, 28 tuổi, da trắng, trưởng nhóm tuần tra dân phố, đang lái xe tuần tra trên đường. Zimmerman gọi số điện thoại khẩn cấp 911 cho cảnh sát để báo về một người mà anh ta mô tả là “một gã thật sự đáng nghi”.

“Gã này nhìn có vẻ không lương thiện. Hắn ta mới chơi thuốc hay sao đó. Trời đang mưa mà hắn cứ đi đi lại lại, ngó nghiêng. Lũ khốn này luôn chạy thoát” - Zimmerman nói và thở gấp trong điện thoại. Người trực tổng đài 911 hỏi: “Anh đang theo anh ta à?”. Zimmerman nói: “Đúng vậy”. “Được rồi, chúng tôi không cần anh làm điều đó” - nhân viên 911 trả lời.

Sau đó, nhiều người dân trong khu vực gọi điện cho 911 để báo về một trận ẩu đả giữa Zimmerman và Martin. Người đi đường nghe thấy tiếng kêu cứu vang lên rồi sau đó là tiếng súng chát chúa. Đó là tiếng kêu của Martin trước khi bị phát đạn của Zimmerman cướp đi mạng sống.

Điều luật nguy hiểm

Theo báo Miami Herald, Zimmerman khai anh ta bắn chết Martin để tự vệ. Sở Cảnh sát Sanford không bắt giữ Zimmerman và chuyển vụ này cho bên công tố. Cảnh sát viện dẫn luật “Stand your ground” (luật tự vệ) có hiệu lực từ năm 2005 ở Florida để biện minh cho hành động này. Luật tự vệ cũng có hiệu lực ở 23 bang khác tại Mỹ. Luật này ra đời sau khi hàng loạt vụ trộm cắp và hôi của xảy ra ở Florida trong thời gian bão tố hoành hành hồi năm 2005.

Luật tự vệ cho phép một người có quyền bắn kẻ trộm hoặc kẻ xâm nhập nhà họ trong trường hợp người này bị tấn công, mạng sống bị gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, những người phản đối mô tả luật này là luật “bắn trước, hỏi sau”. “Zimmerman có thể rút lui an toàn và tránh đụng độ. Đó là điểm mấu chốt. Đó là lý do tại sao luật này vô cùng nguy hiểm” - Miami Herald dẫn lời ông Ladd Everitt, đại diện Liên minh ngăn chặn bạo lực súng đạn, phát biểu.

Ông Ben Crump, luật sư của gia đình Martin, khẳng định cảnh sát không có quyền bảo vệ Zimmerman với luật tự vệ. “Điều này vô lý. Anh không thể khai báo rằng anh tự vệ khi mà chủ động đuổi bắt người khác” - luật sư Crump nhấn mạnh. Ngay trước lúc bị Zimmerman truy đuổi, Martin đang nói chuyện với bạn gái qua điện thoại. Nạn nhân nói với bạn gái rằng có người đang bám theo mình. Cô đã khuyên Martin bỏ chạy.

Luật sư Crump tiết lộ sau khi đến hiện trường, cảnh sát lập tức khám nghiệm xem Martin có chơi thuốc hay uống rượu không. Ngược lại, Zimmerman không hề bị đụng đến. Luật sư Crump khẳng định từ cuộc điện thoại đã được ghi âm giữa Martin và bạn gái, có thể thấy Zimmerman cố tình nhắm vào Martin. Nguyên nhân có thể do Martin là người da đen.

Vì phân biệt chủng tộc?

Vụ Martin bị bắn chết đã gây phẫn nộ tại Mỹ và trên thế giới. Báo New York Times cho biết một lá thư kiến nghị trên mạng Change.org đòi công lý cho Martin đã nhận được sự ủng hộ kỷ lục của cư dân mạng trên toàn cầu, từ Canada tới Thái Lan. Có đến 50.000 chữ ký chỉ trong một giờ vào ngày 22-3, theo Le Monde. Tổng cộng có hơn 1 triệu chữ ký.

Reuters cho biết khoảng 10.000 người trên khắp nước Mỹ cũng đã đổ dồn về Sanford tối hôm 22-3 để biểu tình đòi bắt giữ Zimmerman. Biểu tình cũng diễn ra ở New York và Los Angeles. Trước làn sóng chỉ trích và phẫn nộ, cảnh sát trưởng thành phố Sanford và một công tố viên liên bang phụ trách vụ việc đã từ chức. Vụ việc cũng đã khiến thống đốc bang Florida Rick Scott lập một nhóm xem xét lại luật “bắn trước, hỏi sau” này.

Theo Miami Herald, dư luận Mỹ cho rằng việc Martin bị bắn chết và cảnh sát thị trấn Sanford không bắt giữ hung phạm Zimmerman là do phân biệt chủng tộc. Hồi năm 2011, một lãnh đạo cảnh sát Sanford cũng buộc phải từ chức sau khi con trai của một cảnh sát da trắng đánh đập một người da đen vô gia cư. Vụ đánh đập bị quay phim và được tung lên mạng. Tuy nhiên cảnh sát không bắt giữ hung thủ.

Chỉ đến khi dư luận lên tiếng chỉ trích, hung thủ đó mới bị bắt giữ và bị truy tố. Năm năm trước, hai bảo vệ người da trắng, có quan hệ mật thiết với Sở Cảnh sát Sanford, bắn chết một thiếu niên da đen vì lý do “tự vệ”. Tuy nhiên, khám nghiệm pháp y cho thấy nạn nhân bị bắn từ sau lưng. Cảnh sát Sanford cho vụ việc chìm xuồng vì “thiếu bằng chứng”.

Báo Miami Herald nêu ra rất nhiều câu hỏi nghi vấn về hành động giết người của Zimmerman và thái độ bao che của cảnh sát, và kết luận: “Họ nhìn thấy tất cả, trừ mỗi mình Trayvon Martin”.

Tờ báo này nhận xét khi kết thúc: “Xác Trayvon Martin nằm sõng sượt trên nền cỏ ướt, đầy máu, chẳng có gì khác trong túi ngoài 22 USD, một lon soda và một thanh kẹo, chẳng hề có súng hay “đồ chơi” nào cả. Chỉ là một chàng trai Trayvon Martin thích thể thao, đã ra khỏi nhà để đi mua một chút gì đó về nhấm nháp, và rồi mãi mãi không trở về nữa. Được thấy thì đã quá muộn!”.

Theo Việt Phương (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm