Đảo nhân tạo lên bàn nghị sự ASEAN?

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 3-8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết chủ đề tranh chấp biển Đông sẽ không được đưa ra thảo luận tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 4-8.

Ông cho rằng đây là chủ đề nhạy cảm và các nước ngoài ASEAN không nên can dự. Ông nói nếu Mỹ nêu ra chủ đề này thì Trung Quốc sẽ phản đối.

Liên quan đến đề xuất lập đường dây nóng được đưa ra tại hội nghị các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và ASEAN ở Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tuần trước, ông Lưu Chấn Dân cho biết đường dây nóng là một cơ chế ích lợi nhưng đến nay không có quy định liên quan, vì vậy phải thành lập một nhóm công tác hỗn hợp để soạn thảo quy định.

Cùng ngày tại Singapore, báo Today đưa tin trước khi lên đường sang Malaysia dự hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam cho biết vấn đề căng thẳng biển Đông không thuộc chủ đề thảo luận tại hội nghị.

Ông cho biết có nhiều vấn đề quan trọng hơn như củng cố cộng đồng ASEAN, đe dọa an ninh trong khu vực.

Căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa (Nhật). Ảnh: JAPAN TIMES

Ông nói chắc chắn một số nước sẽ nêu lên vấn đề biển Đông, do đó “chúng ta cố tìm cách nêu ra mọi vấn đề”.

Ông xác định với tư cách là nước điều phối trong ASEAN về quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc vào năm tới, Singapore sẽ cố gắng thúc đẩy vấn đề đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Ngược lại, hãng tin AFP ngày 3-8 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chủ đề trung tâm trong ba ngày hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Malaysia là chủ đề tranh chấp biển Đông.

Quan chức này nói: “ASEAN cũng như Mỹ đều quan tâm đến quy mô, mức độ và hệ lụy của hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc”.

Quan chức này ghi nhận hội nghị là dịp để ASEAN và các nước khác trực tiếp bày tỏ quan ngại với Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin ngày 2-8, Học viện Chỉ huy không quân ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã công bố báo cáo về chiến lược không quân. Học viện đã chuẩn bị báo cáo từ tháng 11-2014 và các báo cáo của học viện này được xem như đường lối định hướng.

Báo cáo dự kiến sẽ mở rộng năng lực giám sát và tấn công trên không phận Tây Thái Bình Dương, trong đó bao gồm khu vực gần lãnh thổ Nhật.

Báo cáo xác định từ nay đến năm 2030, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là các mối đe dọa trong không gian quân sự Trung Quốc.

Báo cáo đề nghị mở rộng tầm giám sát ở chuỗi đảo thứ nhất do Trung Quốc vạch ra (nối liền đảo Okinawa ở Nhật, Đài Loan, Philippines, trong đó bao gồm biển Đông) và lập một tuyến phòng thủ trong không gian mở ở chuỗi đảo thứ hai (nối liền đảo Izu của Nhật, Guam và New Guinea).

Báo cáo đề nghị cải thiện khả năng tấn công các căn cứ Mỹ ở tuyến chuỗi đảo thứ hai bằng máy bay ném bom chiến lược và đánh trả chiến dịch can thiệp Mỹ nếu các đảo Trung Quốc bị tấn công.

Liên quan đến vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (Trung Quốc đơn phương thiết lập vào tháng 11-2013), báo cáo đề nghị hợp tác giữa không quân và hải quân để củng cố năng lực phòng không.

Báo cáo cũng nhấn mạnh cần phát triển các chương trình không gian và tên lửa.

Báo cáo của Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc đề nghị cần phải phát triển và hoàn thiện chín loại thiết bị chiến lược mới. Chín loại này gồm: Máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, hệ thống phòng không đánh chặn tầng cao, tên lửa đạn đạo siêu tốc, máy bay vận tải lớn, khí cầu di chuyển trên khí quyển, lực lượng chiến đấu thế hệ mới, máy bay không người lái tấn công, vệ tinh không quân, bom định hướng.

_____________________________________

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không ký hoặc nếu có ký cũng không tôn trọng một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông mang ý nghĩa ràng buộc. Việc thực hiện bộ quy tắc sẽ hạn chế nghiêm ngặt tự do họ muốn làm gì thì làm.

Chuyên gia DONALD EMMERSON, Đại học Stanford (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm