CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc: Bên nào mạnh hơn về quân sự?

Những tranh cãi xung quanh bằng chứng đánh đắm tàu hải quân Cheonan đang khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, thậm chí đứng trước nguy cơ chiến tranh sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young chính thức yêu cầu Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Tuyên bố của Seoul

Phát biểu tại buổi họp báo ở hội trường Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 21/5, Bộ trưởng Kim Tae-young cho biết, Seoul sẽ sử dụng mọi biện pháp từ quân sự và phi quân sự đến đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc hợp tác với cộng đồng quốc tế tiến hành cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc sẽ có những biện pháp trả đũa thích đáng. Bộ trưởng Kim Tae-young cũng khẳng định, hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng đã vi phạm Hiệp định đình chiến quân sự hai miền Triều Tiên.

Trước đó (4/5), Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã kêu gọi quân đội nước này tăng cường sức mạnh sau vụ tàu Cheonan bị chìm trên biển Hoàng Hải hôm 26/3 khiến 46 thủy thủ bị chết. Ông Lee Myung-bak nhấn mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia là nhiệm vụ không thể trì hoãn và chỉ định một cố vấn an ninh đặc biệt, cũng như thành lập cơ quan chuyên trách vấn đề an ninh quốc gia. Tuyên bố này được đưa ra trước sự có mặt của hơn 150 tư lệnh Hải - Lục - Không quân.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống chủ tọa một cuộc họp như thế này - cuộc họp do Bộ Quốc phòng triệu tập kể từ khi thành lập quân đội Hàn Quốc năm 1953. Tổng thống Lee Myung-bak yêu cầu quân đội xem xét lại kế hoạch "Cải cách Quốc phòng 2020" do cố Tổng thống Roh Moo-hyun soạn thảo năm 2005.

Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ chi 620.000 tỉ won (tương đương 560 tỉ USD) để tăng cường khả năng quân sự và từng bước cắt giảm quân số từ 680.000 binh sĩ hiện nay xuống còn 500.000 người vào năm 2020.

Tuyên bố hôm 21/5 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi bà cho rằng, vụ đắm tàu Cheonan không đơn thuần là vấn đề an ninh khu vực, mà đã trở thành vấn đề quốc tế cần được giải quyết thông qua Liên Hiệp Quốc.

Thực lực quân sự của CHDCND Triều Tiên

Cách đây khoảng 9 tháng (12/8/2009), Chủ tịch Kim Jong-il chính thức tuyên bố tăng cường củng cố và phát triển sức mạnh cho lực lượng Hải quân nước này. Tuyên bố này được đưa ra khi ông Kim Jong-il có chuyến thăm chính thức tới Học viện Hải quân. Được biết, Hải quân nhân dân Triều Tiên (KPN) chủ yếu hoạt động gần bờ. Tính tới năm 2007, KPN chỉ có khoảng 46.000 lính thủy hoạt động trên 780 tàu, thuyền đổ bộ, trong đó có gần 300 chiến hạm và hơn 80 tàu ngầm.

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc: Bên nào mạnh hơn về quân sự? ảnh 1

Một số loại vũ khí của CHDCND Triều Tiên

Kể từ khi được thành lập năm 1948, quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) đã phát triển thành một lực lượng đông đảo, với tổng quân số hơn 1 triệu binh sĩ, được chia thành nhiều quân đoàn, sư đoàn và lữ đoàn. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn duy trì lực lượng quân sự dự bị lên tới 4,7 triệu người.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược London cung cấp năm 2008, CHDCND Triều Tiên có khoảng 1,06 triệu quân, chủ yếu là lục quân (923.000 quân) với trên 6.000 xe tăng thiết giáp (3.500 xe tăng, 2.500 xe thiết giáp), 28.200 khẩu pháo các loại cùng hơn 80 hệ thống tên lửa đất đối đất và 10.000 tên lửa phòng không. KPA còn có một lực lượng đặc nhiệm lên tới hơn 90.000 người. Không quân nhân dân Triều Tiên (KPAF) có 110.000 quân nhân và khoảng 1.600 - 1.700 máy bay, cùng một mạng lưới rada và tên lửa phòng không lớn.

Giới quân sự Nga từng cho rằng, trung bình mỗi năm ngành công nghiệp quốc phòng của CHDCND Triều Tiên đủ khả năng sản xuất khoảng 200.000 khẩu súng bộ binh, 3.000 pháo hạng nặng, 200 xe tăng, 400 xe bọc thép, xe lội nước các loại... Bình Nhưỡng có tổng cộng 180 nhà máy được xây dựng ngầm dưới lòng đất để tránh bị không kích bất ngờ. CHDCND Triều Tiên đã tự sản xuất được tăng T-62 với pháo 115mm. Tới giữa những năm 1984 và 1992, quân đội đã sản xuất thêm 1.000 xe tăng, hơn 2.500 xe chở quân, 6.000 khẩu pháo và pháo phản lực. Tính tới năm 1992, CHDCND Triều Tiên có số xe tăng và pháo nhiều gấp đôi so với Hàn Quốc.

Tuy tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo, có thể mang đầu đạn hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, nhưng sau khi được đưa tới sử dụng tại CHDCND Triều Tiên một thời gian, các nhà khoa học nước này đã nâng cấp và biến nó trở thành cơn ác mộng của những quốc gia hữu quan. CHDCND Triều Tiên đã phát triển hai phiên bản mới từ Scud-B thành Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6). Trong khi Scud-B chỉ bắn ở cự ly 300km thì Scud-C bắn được 500km, còn Scud-D có thể bắn mục tiêu cách xa 700km.

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên còn thử nghiệm loại tên lửa KN-02 có thể bắn tới những mục tiêu ở Hàn Quốc. Sau đó, CHDCND Triều Tiên còn phát triển Scud thành Nodong, Taepodong-1 và Taepodong-2. Theo cuốn "Sổ tay Triều Tiên" do CIA biên soạn thì trong năm 2002, CHDCND Triều Tiên chi 5 tỉ USD cho quân sự, đứng thứ 22 thế giới.

Tuấn Cường - Quỳnh Trang tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm