NHỮNG BÀI HỌC TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ - PHẦN 6:

Chân dung một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô - kỳ 1

Lịch sử hơn 100 năm qua đã chứng minh, chính Đảng của giai cấp công nhân trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền cần phải có một đội ngũ lãnh đạo kiên trì và không ngừng phát triển chủ nghĩa Marx, đồng thời phải có tài tổ chức, vận động và lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng phải có một đội ngũ lãnh đạo kiên trì và phát triển Chủ nghĩa Marx, kiên trì định hướng XHCN, kiên trì đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng.

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Lenin là tấm gương về lãnh tụ. Lenin tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Trên con đường đi tìm chân lý, Người đã nhiều lần bị bắt, bị lưu đầy, sau đó lưu vong ở nước ngoài. Trải nghiệm cách mạng gian khổ đã khẳng định quyết tâm, ý chí của Người quyết lật đổ chế độ chuyên chế Sa hoàng, phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng Cộng sản.

Lenin kiên định tin theo và theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, điều này gắn chặt với quá trình không ngừng học tập và nghiên cứu Chủ nghĩa Marx của Lenin, giúp Người có sự quan sát và dự cảm sâu sắc về đặc trưng tình thế cách mạng và xu thế phát triển của thời đại bấy giờ. Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, ở nước Nga có hai chính quyền cùng tồn tại. Một là chính quyền Xô Viết đại diện cho công nhân, binh sĩ. Hai là chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Khi đó Lenin đang ở nước ngoài. Người kiên quyết thực hiện chủ trương: thành quả cách mạng mà giai cấp công nhân giành được không thể giao lại cho giai cấp tư sản, và Đảng Bolshevik cần giành lấy chính quyền. Trong khi đó, một số lãnh đạo trong Đảng Bolshevik lại không đồng ý với lập trường của Lenin. Nhóm Kamenev cho rằng, Đảng Bolshevik chưa trưởng thành đến độ xây dựng được chuyên chính vô sản, bởi vậy cần phải ủng hộ chính phủ lâm thời.

Tháng 4-1917, Lenin về Nga. Tại Đại hội đại biểu ở Petrograd, Lenin trình bày Luận cương tháng Tư, trong đó đưa ra quyết sách chuyển từ giai đoạn I là cách mạng dân chủ tư sản sang giai đoạn II là cách mạng XHCN. Nhóm Kamenev và Zinoviev phản đối chủ trương của Lenin. Nhiều người trong Đảng lúc đầu không hiểu ý đồ chiến lược trong Luận cương tháng Tư.

Ngày 21-4-1917, Ủy ban Petrograd của Đảng Bolshevik thảo luận Luận cương của Lenin. Molotov kể lại trong hồi ký: Tôi chưa bao giờ phản đối Lenin, nhưng cho dù là tôi hay bất kì ai đó luôn sát cánh bên Lenin đều không hiểu rõ ngay ý tứ của Người. Tất cả những người Bolshevik khi đó đều nói về cách mạng dân chủ tư sản, nhưng Lenin lại nói về cách mạng XHCN. Khi đại đa số các đồng chí trong Đảng vẫn chưa lĩnh hội được chiến lược do mình nêu ra, Lenin đã hết sức kiên nhẫn, nhiệt tình trình bày một cách sâu sắc, căn cứ vào tính khách quan, mục tiêu chiến lược và sách lược, phản bác quan điểm sai lầm của người phản đối. Qua cuộc luận chiến, các đồng chí nhất thời chưa hiểu ra, đã thay đổi thái độ. Cuối cùng, Luận cương tháng Tư của Lenin đã được toàn Đảng chấp nhận, để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.

Trong Đảng Bolshevik, uy tín của Lenin cao hơn rất nhiều người khác, song Người luôn duy trì nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phát huy trí tuệ tập thể và sức mạnh tập thể. Năm 1921, Lenin đã viết thư cho Phó ủy viên Trung ương phụ trách ngoại giao của Liên Xô: “Đồng chí đã lặp lại không dưới một lần rằng, Trung ương chính là tôi, nhưng như thế là đồng chí đã nhầm. Đồng chí tuyệt đối không nên viết ra những lời như vậy!”. Dưới thời Lenin, Trung ương Đảng do Người lãnh đạo là tổ chức của những nhà chính trị có niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa cộng sản. Volovsky - nhà cách mạng Nga cùng thời với Lenin - đánh giá về Lenin như sau: “Ông rất giỏi trong việc tập trung kinh nghiệm và tri thức của từng người giống như tiêu điểm của thấu kính vậy, đồng thời biến chúng thành tư tưởng chung, khẩu hiệu chung trong phòng thí nghiệm trí tuệ phong phú của mình”.

Sau khi Lenin qua đời, Trung ương Đảng cần một người chèo lái mới, và trong các ứng cử viên có Trosky, Bukharin, Zinoviev, Stalin. Trosky không có một cương lĩnh hoàn chỉnh về xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí ông còn cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể xây dựng thành công ở Liên Xô. Bukharin có một hệ thống phương án và chương trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lại thiếu khả năng lãnh đạo. Zinoviev không thật sự nổi bật trên cả hai phương diện lý luận và tổ chức. Stalin mặc dù có những khuyết điểm nhưng ông có niềm tin chính trị kiên định và ý chí thép, năng lực tổ chức và khả năng vận dụng tổ chức hơn hẳn người khác. Stalin tham gia cách mạng rất sớm; từ năm 1902 đến năm 1913, từng tám lần bị bắt, bảy lần bị lưu đày, sáu lần trốn thoát khi bị lưu đày. Cuộc đấu tranh đã tôi luyện nên tính cách kiên cường của Stalin. Từ lúc tham gia cách mạng cho đến khi qua đời, niềm tin cách mạng của ông không hề lung lay. Trong suốt thời gian cầm quyền, điểm xuất phát và điểm đích của ông đều vì sự lớn mạnh của đất nước, vì sự sung túc của nhân dân.

Uy tín của Stalin ngày càng tăng cao, quyền quyết sách tối cao trong Đảng dần dần tập trung vào tay ông. Mặc dù Stalin cho rằng sùng bái cá nhân là có hại, thậm chí không thể tha thứ, thậm chí ông nhiều lần tỏ rõ căm ghét sự sùng bái dành cho ông, nhưng trong sinh hoạt chính trị của Đảng và Nhà nước, có lúc ông quá tự tin vào trí tuệ của mình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đối với những người không cùng ý kiến trong tập thể lãnh đạo, có lúc Stalin dùng “bàn tay sắt”, thậm chí đã sử dụng phương thức đấu tranh tàn khốc. Kết quả là nhìn bề ngoài nội bộ Đảng có vẻ không có mâu thuẫn, mọi người đồng thuận, song nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã bị vi phạm. Nghị quyết được nhất trí thông qua, song trên thực tế đã biến thành phục tùng ý chí của cá nhân lãnh tụ.

Mặc dù có những khuyết điểm nhưng không thể phủ nhận được đóng góp to lớn của Stalin đối với nhân dân Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô. Kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Stalin, Thủ tướng Anh khi đó là Churchill, phát biểu ý kiến tại Hạ viện, đã đánh giá về Stalin: “Trong những năm tháng thử thách ác liệt, chính Stalin - vị Thống soái thiên tài, kiên cường, bất khuất đã lãnh đạo đất nước mình. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao của nước Nga. Stalin là nhân vật kiệt xuất nhất. Ông đã sống cuộc đời mình trong những năm tháng phức tạp, khó lường, khắc nghiệt, tàn khốc. Ông đã để lại cho thời đại chúng ta những ấn tượng đáng kính. Lịch sử và nhân dân sẽ không bao giờ quên một người như thế”.

Sau khi Stalin qua đời, Đảng Cộng sản Liên Xô từng có thời kỳ đã nhấn mạnh trở lại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, nhưng sau khi Khrushchev giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1957, quyền lực của Ban chấp hành Trung ương một lần nữa tập trung vào Khrushchev.

Khrushchev làm công nhân mỏ ở Ukraine, rồi trưởng thành trong chiến tranh cách mạng và chiến tranh Vệ quốc. Khrushchev từng có tình cảm trong sáng với cách mạng nhưng lại thiếu tu dưỡng về chủ nghĩa Marx. Molotov đã đánh giá về Khrushchev: “Ông ấy chưa từng mặn mà với những khái niệm như thế nào là chủ nghĩa Lenin, thế nào là chủ nghĩa Marx và cũng chưa từng nghĩ đến. Ông ta bế tắc về lý luận, chính vì vậy ông ta đi ngược lại với học thuyết về nhà nước và học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx.

Tại Đại hội 22, ông ta đã nêu ra lý thuyết sai lầm “Nhà nước toàn dân”, “Đảng toàn dân”. Cương lĩnh mà ông ta ra sức chủ trương thông qua tại Đại hội đã hủy bỏ cốt lõi của Chủ nghĩa Marx là chuyên chính vô sản. Ông ta cảnh báo mọi người không được hấp tấp, nhưng ông ta lại đẩy sự hấp tấp đến mức cực đoan, tuyên bố rằng “Liên Xô về cơ bản phải xây dựng xong chủ nghĩa cộng sản trong vòng 20 năm”. Chủ nghĩa cộng sản của ông ta chẳng qua chỉ là khoai tây cộng với thịt bò mà thôi”.

Bắt đầu từ thời Khrushchev, Đảng Cộng sản Liên Xô dần dần đi xa rời một số nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx, khiến Liên Xô bắt đầu chệch hướng, tạo mầm mống cho sự sụp đổ. Khrushchev phê phán tệ sùng bái cá nhân, chủ trương xét lại các sai lầm của Stalin, nhưng ông ta là một phần tử hai mặt, nhiều mưu mô, tham vọng. Tháng 3-1939, trong 20 phút phát biểu ý kiến tại Đại hội Đảng lần thứ 8, ông ta đã 32 lần ca tụng Stalin là thiên tài, người thầy, vị lãnh tụ vĩ đại nhất của nhân loại, vị tướng bách chiến, bách thắng và là… cha đẻ của mình...

Hơn mười năm sau, chính Khrushchev lại là người nguyền rủa Stalin là hung thủ, cường đạo, tên độc tài lớn nhất trong lịch sử nước Nga... Ông ta trút mọi ngôn từ dơ dáy lên Stalin, phủ định công lao của Stalin với lịch sử và nhân loại. Nguyền rủa của ông ta với Stalin thực chất là sự lăng mạ nhân dân và Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định một số nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx - Lenin, chủ nghĩa xã hội. Khrushchev phản đối sùng bái cá nhân nhưng chính ông ta lại ra sức sùng bái cá nhân.

Khi giải quyết những vấn đề trọng đại liên quan vận mệnh của Đảng và đất nước, Khrushchev thiếu tư duy tỉnh táo và sự suy xét sâu xa, thường xuất phát từ ý muốn chủ quan, bồng bột nhất thời, thậm chí dùng biện pháp mạo hiểm cấp tiến để đạt mục đích. Năm 1961, Khrushchev tuyên bố tại Đại hội 22: Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản, sẽ cơ bản xây dựng xong xã hội cộng sản trong vòng 20 năm. Chủ nghĩa cộng sản mà Khrushchev đề cập không phải là lý luận khoa học của chủ nghĩa Marx, và hoàn toàn xa rời tình hình Liên Xô lúc bấy giờ. Đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là chủ nghĩa cộng sản của ông ta vẫn chỉ là ảo ảnh.

Ngày 14-10-1964, Khrushchev từ nơi nghỉ về Moscow chủ trì Hội nghị Đoàn chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Hội nghị, các thành viên trong Đoàn chủ tịch đã chỉ trích, phê phán những sai lầm của Khrushchev trong chính sách đối nội, đối ngoại và ép ông ta tự nguyện về hưu. Khrushchev buộc phải ký vào văn bản từ chức. Nhà cải cách thô lỗ không có tố chất của một lãnh tụ đó đã bị hạ bệ, mãi cho đến khi qua đời ông ta vẫn không hiểu nguyên cớ do đâu. Nhà lãnh đạo mới thay thế là Brezhnev.

(Còn nữa)

Theo NDĐT-THỜI NAY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm