Cam quýt Trung Quốc bị nhuộm màu

Gần đây, tại nhiều thành phố của Trung Quốc như Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến), Nam Ninh (tỉnh Giang Tây), Nam Kinh (tỉnh Giang Tây) có bán cam, quýt, chanh có màu sắc tươi khác thường.

Trung tâm đầu mối nông sản phụ Hải Hiệp ở Phúc Châu là nơi cung cấp chủ yếu cam, quýt. Nhìn thấy một chiếc xe bán cam có vỏ đỏ hồng khác thường, phóng viên Đài Phát thanh trung ương Trung Quốc đã thử dùng giấy ăn lau và giấy ăn có màu hồng.

Nhiều người dân ở Phúc Châu cho biết họ thường mua phải cam, quýt bị nhuộm màu tại các xe bán hoa quả lưu động. Khi rửa cam bằng nước ấm, nước chuyển thành màu hồng. Ăn loại cam này có mùi vị không được tươi.

Cam quýt không nhuộm màu giá mỗi kg cao nhất 3,6 nhân dân tệ (10.300 đồng VN) nhưng sau khi nhuộm màu có thể bán tới 5 nhân dân tệ (14.300 đồng VN).

Cam quýt Trung Quốc bị nhuộm màu ảnh 1

Mua trái cây ở Trung Quốc. Ảnh: PICASAWEB

Phương pháp nhuộm màu cho cam quýt chủ yếu là bôi sáp. Một số xưởng có máy chuyên bôi sáp cho hoa quả. Quá trình nhuộm màu gồm rửa sạch, sấy khô và bôi sáp. Toàn bộ quá trình do máy tự động làm. Sau khi bôi sáp, cam quýt trở lên bóng đẹp và trông tươi ngon hơn.

Đa phần cam quýt nhuộm màu đều là quả xấu xí hoặc không còn tươi. Sau khi bôi sáp, cam quýt được dán nhãn mác và đóng gói. Xưởng muốn dán nhãn mác xuất xứ nào cũng được, thậm chí cả tiếng Anh. Sau đó, cam quýt được đóng gói trong túi lưới, bọc giấy trắng hoặc đóng trong thùng gỗ và mang đi tiêu thụ.

Cuối tháng 11, trung tâm khách hàng ở chợ đầu mối hoa quả Giang Ninh thuộc TP Nam Kinh đã mang một số hoa quả thừa của khách hàng đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy chất sáp dùng để tạo màu là loại sáp tạo màu bằng hoa quả và được phép sử dụng, như vậy không có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với ý kiến này.

Ông Chương Vân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa quả tươi và hoa quả đã qua chế biến (Viện Khoa học nông nghiệp TP Trùng Khánh), cho biết lời giải thích nêu trên không có căn cứ.

Theo ông Quý, sáp tạo màu hoa quả có các thành phần chủ yếu là nhựa cây và sáp carnauba. Hai loại sáp này đều thuần chất tự nhiên, có thể ăn được. Tuy nhiên, một số chủ hàng không có lương tâm đã sử dụng sáp công nghiệp và chất nhuộm màu.

Sáp công nghiệp có vị dầu đặc thù không tốt cho cơ thể, còn chất nhuộm màu có chất độc hại, nếu tích tụ trong cơ thể người có thể gây hại cho thận và gan. Ngoài ra, dù cam được nhuộm bằng chất tạo màu dùng trong chế biến thực phẩm, nếu bảo quản lâu ngày cũng sẽ biến chất, gây nguy hại cho sức khỏe.

Ông Chương Vân Quý cho biết tạo màu cho hoa quả bằng sáp là một quá trình rất nghiêm ngặt, trước tiên phải rửa sạch hoa quả, sau đó lau khô rồi mới đánh bóng, tạo màu.

Theo quy định, nông sản chưa qua chế biến bị cấm tạo màu và chỉ có thể rửa sạch, đánh bóng ở mức độ nhất định. Nếu đánh bóng phải dùng sáp chuyên dùng cho hoa quả chứ không được sử dụng sáp công nghiệp vì các nguyên tố kim loại nặng trong sáp công nghiệp sẽ ngấm vào hoa quả. Hiện Trung Quốc vẫn chưa có tiêu chuẩn riêng về bôi sáp vào hoa quả và quy phạm về quá trình bôi sáp hoa quả. Do đó, muốn xử phạt cũng bó tay!

Nhận biết cam nhuộm màu

- Cam đã qua nhuộm màu có bề ngoài đỏ bóng khác thường. Quan sát kỹ sẽ thấy những đốm đỏ trên vỏ cam, thậm chí trên vỏ còn lưu lại tạp chất màu đỏ.

- Cam bị nhuộm thì khi sờ bề mặt sẽ thấy dính tay.

- Dùng khăn ướt lau bề mặt quả cam, nếu là cam nhuộm màu thì khăn bị vết màu hồng, đỏ.

- Nếu cam bị nhuộm đậm, cuống cam cũng đỏ. Cam không bị nhuộm có cuống pha lẫn màu xanh trắng.

HOÀNG HẠNH (Theo Nhân Dân Nhật Báo, Tin Tức Trung Quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm