Chia tài sản chung: Vẫn còn nhiều sai sót

Chế định về chia tài sản chung đã được quy định khá cụ thể trong Bộ luật Dân sự cũng như được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Thế nhưng Tòa Dân sự TAND Tối cao nhìn nhận nhiều tòa địa phương vẫn còn mắc sai lầm như xác định điều kiện để chia tài sản chung không đúng hay phân chia tài sản chung chưa hợp lý.

Đình chỉ án sai, phân chia không chuẩn

Chẳng hạn vụ bốn anh chị em ông NVG khởi kiện ông NTT yêu cầu chia tài sản chung là một căn nhà trên đường Tân Hòa Đông (phường 14, quận 6, TP.HCM). Sau khi thụ lý, TAND quận 6 đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện chia tài sản chung vì ông T. không thừa nhận căn nhà trên là di sản do ông bà để lại và chưa chia. TAND TP.HCM sau đó cũng giữ nguyên quyết định sơ thẩm này.

Theo Tòa Dân sự, ở vụ tranh chấp này, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã mắc sai lầm trong việc xác định điều kiện để chia tài sản chung. Cụ thể, hồ sơ vụ án thể hiện các đương sự đều thừa nhận rằng căn nhà trên là di sản do ông bà để lại nhưng chưa chia. Ông T. dù đang quản lý di sản nhưng lại không phải là người thừa kế của người để lại di sản. Do vậy, việc ông T. thay đổi lời khai, không thừa nhận căn nhà trên là di sản không có giá trị pháp lý đối với yêu cầu chia tài sản chung của những người thừa kế di sản. Trong trường hợp này, các tòa cần căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2004 để giải quyết tranh chấp giữa những người thừa kế với người đang quản lý di sản của người để lại di sản thừa kế.

Chia tài sản chung: Vẫn còn nhiều sai sót ảnh 1

Về chuyện chia tài sản chung khi vợ chồng ly hôn, Tòa Dân sự cho rằng về nguyên tắc, tài sản chung được chia đôi nhưng có xem xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp trong quá trình tạo lập…, đặc biệt phải bảo vệ quyền lợi của người vợ và con chưa thành niên.

Vụ tranh chấp tài sản chung khi ly hôn giữa ông HNH và bà TTTV là một ví dụ. Năm 2007, hai người này thuận tình xin ly hôn, các con chung thì bà V. nuôi. Tài sản tranh chấp là căn nhà và gần 1.500 m2 đất. Nguyên diện tích đất này do cha mẹ ông H. tặng cho vào năm 1996. Trong quá trình chung sống, vợ chồng họ đã tôn tạo, xin chuyển mục đích sử dụng đất, thực tế đã cùng nhau xây nhà và ở ổn định từ năm 1996 cho đến nay.

Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều bác yêu cầu được chia bằng hiện vật 1/2 nhà, đất của bà V., chỉ chia cho bà 1/2 giá trị của tài sản tranh chấp. Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, cách chia này chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà V. và các con.

Giấy tờ nhà, đất không phải là tài sản

Trái ngược với việc đình chỉ giải quyết án sai, không ít trường hợp các tòa địa phương lại thụ lý án không đúng thẩm quyền.

Năm 2006, anh C. và chị T. mượn của bà L. 328 triệu đồng để mua hóa giá một căn nhà trên đường Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM). Bà L. giữ giấy hồng, anh C. và chị T. đòi lại không được nên khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà L. trả lại giấy. Còn bà L. thì nói anh C. và chị T. chỉ đứng tên mua nhà hóa giá giúp nên không đồng ý trả giấy hồng, đồng thời phản tố yêu cầu tòa công nhận căn nhà trên thuộc sở hữu của mình. Vụ kiện được TAND quận 1 và TAND TP.HCM lần lượt thụ lý, xét xử sơ, phúc thẩm.

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, việc tòa hai cấp sơ, phúc thẩm thụ lý, giải quyết vụ kiện là không đúng. Bởi Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác”. Đối chiếu với quy định trên thì giấy hồng không phải là tài sản. Do vậy, yêu cầu đòi lại giấy hồng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Trong trường hợp này, lẽ ra các tòa cần đình chỉ giải quyết vụ án và hỏi bà L. có giữ yêu cầu phản tố không. Nếu bà L. giữ yêu cầu phản tố thì phải xác định lại quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sở hữu nhà và xác định bà L. là nguyên đơn, còn phía anh C. là bị đơn.

Liên quan đến chuyện thụ lý sai thẩm quyền, Tòa Dân sự còn rút kinh nghiệm về trường hợp vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật.

Ông DVT khởi kiện ông NVB ra tòa, yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất cho mình. Vụ kiện được hai cấp tòa sơ, phúc thẩm giải quyết dù trước đó ông B. và một người khác từng tranh chấp phần diện tích đất này. Tháng 9-2001, UBND một quận đã ra quyết định công nhận quyền sử dụng diện tích đất cho ông B.

Theo Tòa Dân sự, phần đất tranh chấp đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tranh chấp giữa ông T. và ông B. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Do vậy, việc tòa hai cấp sơ, phúc thẩm thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp là không đúng thẩm quyền.

Đã khắc phục nhiều sai sót nhưng tỷ lệ kháng nghị vẫn còn cao

Tòa Dân sự TAND Tối cao cho biết đa số các vụ án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm trong năm 2012 là do các tòa thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ xét xử trong năm 2009, 2010. So với trước đây, nhiều sai sót cũ đã được khắc phục như: Phần nhận định và quyết định của bản án có nội dung mâu thuẫn, phần nhận định không đầy đủ, chung chung, sơ sài; văn phong sử dụng trong bản án không chuẩn mực; đường lối giải quyết với các tranh chấp quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà do người khác đứng tên giùm...

Tuy nhiên, tỉ lệ vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm trên tổng số vụ án có khiếu nại còn cao (189 vụ/878 vụ, chiếm tỉ lệ 21,53%). Nguyên nhân xuất phát từ việc các thẩm phán nhận thức chưa đúng về nguyên tắc, trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Cạnh đó, kinh nghiệm xét xử của nhiều thẩm phán trong cùng đơn vị không đồng đều. Một số thẩm phán thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan khi tiến hành tố tụng…

Từ đó, Tòa Dân sự đã kiến nghị Ủy ban Thẩm phán các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường công tác rút kinh nghiệm xét xử, công tác kiểm tra, giám sát để có thể hạn chế thấp nhất các sai sót trong quá trình xét xử.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm