Cấp dưỡng nuôi con: Lắm chuyện bi hài!

Tuy nhiên, theo các chấp hành viên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức của người phải cấp dưỡng...

Năm 2003, TAND quận 10, TP.HCM ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Th. và bà V. Theo hồ sơ, hai người kết hôn từ năm 1993, có với nhau một con. Sau 10 năm, cả hai quyết định đường ai nấy đi. Tòa chấp nhận cho ly hôn. Bà V. được quyền nuôi đứa con tám tuổi, ông Th. phải cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng.

Nắm phải người “trọc đầu”

Sau đó, ông Th. không đóng tiền cấp dưỡng. Một mình làm lụng nuôi con vất vả, bà V. yêu cầu thi hành án. Đến nay, sau tám năm kể từ ngày ly hôn, người con cũng sắp trưởng thành, phía cơ quan thi hành án phải trả lại đơn cho bà V. vì ông Th. không có tài sản, cơ quan thi hành án cũng không thể biết thu nhập hằng tháng bởi ông làm việc tự do.

Để đảm bảo quyền lợi của phía người được thi hành án và đứa trẻ, thông thường các chấp hành viên đều cố gắng nhưng rất nhiều trường hợp sự tích cực của chấp hành viên không đem lại kết quả.

Chẳng hạn, tháng 12-2008, TAND quận 1 (TP.HCM) ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa ông T. và bà H. Ông T. chỉ nộp được một khoản tiền cấp dưỡng nuôi con rồi thôi. Chấp hành viên xác minh, biết ông T. đang làm việc tại một cửa hàng bán quần áo liền đề nghị chủ cửa hàng trừ một phần tiền lương hằng tháng của ông T. để cấp dưỡng nuôi con. Khổ nỗi biết chuyện, chủ cửa hàng lại đuổi việc ông T. Sau đó, chấp hành viên không thể biết được ông T. đang ở đâu, làm gì nên phần cấp dưỡng gần 54 triệu đồng còn lại bị ách tắc.

Cấp dưỡng nuôi con: Lắm chuyện bi hài! ảnh 1

“Khủng bố” nhau

Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 (TP.HCM) đang thi hành án vụ cấp dưỡng nuôi con của ông R. (quốc tịch Nigeria). Trước đây, ông R. vào Việt Nam rồi sống chung như vợ chồng với bà C. Sau đó, bà C. sinh được một đứa con. Ông R. cho rằng đứa con không phải của mình nên chia tay bà C. để đi tìm hạnh phúc mới. Bà C. bèn khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông R. phải bồi thường một khoản tiền và tiền cấp dưỡng nuôi con.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy ông R. là cha đứa bé nên tòa buộc ông R. phải bồi thường cho bà C. gần 100 triệu đồng, ngoài ra mỗi tháng phải nộp 3 triệu đồng tiền cấp dưỡng. Nhằm đảm bảo cho việc thi hành án, tòa đã cấm ông R. xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Để có tiền sinh sống, ông R. đi dạy ngoại ngữ ở một số trung tâm. Thu nhập hằng tháng cũng tạm ổn nên ông vẫn đều đặn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Hai bên thỏa thuận sẽ trực tiếp giao nhận tiền chứ không thông qua cơ quan thi hành án. Mỗi khi nhận được tiền, bà C. sẽ thông báo với chấp hành viên để ghi vào sổ theo dõi.

Có những tháng ông R. chưa kịp đóng tiền, lập tức bị bà C. nhắn tin, gọi điện thoại chửi bới. Bà còn tìm đến tận nơi ông làm việc quậy tưng bừng. Sợ bị đuổi việc, khi đến hạn, không có tiền ông phải đi vay nóng nộp cho bà để yên thân.

Thực tế nuôi con, có phải đóng tiền?

Theo quyết định của tòa án một huyện thuộc tỉnh T., anh VVT và chị VTVP thống nhất thỏa thuận giao cho chị P. nuôi dưỡng hai con chung, anh T. cấp dưỡng 275.000 đồng/cháu/tháng kể từ tháng 3-2009 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Anh T. đã nộp được tiền cấp dưỡng tháng 3-2009, chấp hành viên đã chi trả cho chị P. Sau đó, anh T. có đơn gửi cơ quan thi hành án, trình bày là sau khi nhận được tiền cấp dưỡng nuôi con một tháng, chị P. bỏ hai con ở nhà với bà ngoại, đi xuất khẩu lao động nước ngoài, hiện anh phải đón hai con về nuôi.

Cơ quan thi hành án xác minh, chuyện đúng như anh T. trình bày. Cơ quan thi hành án bèn hướng dẫn anh sang tòa làm thủ tục thay đổi người nuôi con. Tòa từ chối, nói việc thay đổi người nuôi con phải có mặt của cả anh T. và chị P. mới giải quyết. Đến đây, cơ quan thi hành án lúng túng vì theo quyết định của tòa, anh T. phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, việc này lại trái Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình (người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con). Chưa kể, bắt anh T. đóng tiền cấp dưỡng khi anh đang nuôi con là rất bất hợp lý...

Đo lọ mắm, đếm củ hành

Ly hôn xong, chị G. ngụ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không khỏi phẫn uất trước cách hành xử của chồng cũ đối với đứa con trai chung của hai người.

Chồng cũ của chị thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng/tháng, tòa buộc cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng. Hai tháng đầu, chị nhận tiền đầy đủ. Tháng thứ ba, mở phong bì, chị thấy mớ tiền lẻ và tờ giấy bạc của gói thuốc lá ghi: “Khấu trừ tiền nuôi con”. Chồng cũ của chị gạch đầu dòng từng khoản: “Mua cặp sách 147.000 đồng, mua bánh 20.000 đồng, mua đồ chơi 37.000 đồng, mua mũ 50.000 đồng, mua đồ dùng học tập 95.000 đồng. Tổng cộng 349.000 đồng, còn lại 651.000 đồng”. Từ đó, tháng nào chị cũng chỉ nhận được vài trăm ngàn đồng kèm tờ “khấu trừ”. Mỗi lần đón con về chơi, mua gì cho con, anh đều trừ vào tiền cấp dưỡng. Đóng tiền học, trừ 345.000 đồng, con xin tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, trừ 20.000 đồng…

(Theo Dân Việt)

Cần đương sự tự nguyện

Việc thi hành án phần cấp dưỡng nuôi con chủ yếu vẫn dựa vào sự tự nguyện của người phải cấp dưỡng. Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định một số biện pháp cưỡng chế thi hành án như khấu trừ tiền trong tài khoản, trừ vào thu nhập hay kê biên xử lý tài sản… Tuy nhiên, trường hợp người phải cấp dưỡng không có tài sản hoặc chấp hành viên không xác minh được thì cũng đành phải trả lại đơn cho người được thi hành án.

Ông NGUYỄN THANH HÀ,
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 (TP.HCM)

Tốn nhiều công sức

Đến nay vẫn chưa có biện pháp nào cụ thể để giảm bớt thời gian, công sức cho chấp hành viên đối với những vụ việc cấp dưỡng nuôi con. Nếu xác minh được người phải cấp dưỡng có tài sản có giá trị lớn mà không thực thi nghĩa vụ thì chấp hành viên kê biên. Khi người phải cấp dưỡng thực thi nghĩa vụ, cơ quan thi hành án giải tỏa kê biên. Tháng sau, người này tiếp tục không thi hành án, chấp hành viên lại phải kê biên…, rất phiền phức, mất thời gian.

Ông LÊ HỮU HÒA,
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 (TP.HCM)

Quy định còn chưa hợp lý

Theo quy định, hằng tháng người được thi hành án phải nộp đơn yêu cầu để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành. Có những vụ cấp dưỡng gần 18 năm mới xong. Như vậy, cơ quan thi hành án phải ra rất nhiều quyết định đối với một bản án. Có trường hợp người phải cấp dưỡng muốn nộp tổng số tiền cấp dưỡng một lần, cơ quan thi hành án cũng không dám nhận...

Ông TRẦN QUỐC HỌC,
Chi cục Thi hành án dân sự quận 8 (TP.HCM)

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm