Trẻ bệnh hô hấp chật cứng bệnh viện

Chị Loan, mẹ bé Long, cho biết cách đây một tuần bé ho nhiều kèm sổ mũi, sốt. Chị đưa con đi khám bác sĩ (BS) tư, BS nói bé bị viêm phế quản. Sau một tuần uống thuốc không giảm, nóng ruột chị đưa con lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, BS nói bé bị viêm phổi và chỉ định nhập viện.

3-4 trẻ/giường bệnh

Cùng ngày, tại phòng theo dõi bệnh nhân nặng BV Nhi đồng 2, bé Nguyễn Huỳnh Tiến Sĩ (bốn tháng tuổi, quận 8, TP.HCM) đang được thở ôxy, lúc tỉnh lúc mê. Mẹ bé cho biết trước đó bé bị ho nhiều, thở mệt. Chị đã cho bé uống sirô ho nhưng không thuyên giảm nên đưa con vào BV Nhi đồng 2. Tại đây, BS chẩn đoán bé bị viêm phổi.

Thống kê tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, vào ngày thứ hai của tuần đầu tháng 8, khoa Hô hấp mỗi BV có trên 400 trẻ nhập viện điều trị. Trẻ nằm xếp lớp, 3-4 trẻ/giường. Hành lang, cầu thang BV không còn chỗ chen chân.

Trước tình hình như trên, lãnh đạo BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã thực hiện cho trẻ điều trị ngoại trú. Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, thường một trẻ bị bệnh hô hấp phải điều trị 5-7 ngày thì nay sau ba ngày ổn định thì trẻ được cho về nhà, hằng ngày vào tái khám. Phòng lưu bệnh (khoa Cấp cứu) cũng tăng giường lưu bệnh nhi bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, các khoa phòng khác nếu còn trống giường cũng chia sẻ cho bệnh nhi hô hấp nhằm giảm áp lực cho khoa Hô hấp.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, cho biết đỉnh cao của bệnh hô hấp miền Nam rơi vào từ tháng 8 đến cuối tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, trong 20 năm qua thì năm nay đông nhất. Các năm trước vào mùa cao điểm, BV tiếp nhận trên dưới 300 ca nội trú; tuy nhiên, năm nay dù mới vào mùa nhưng những ngày đầu tuần có khi lên hơn 400 ca, trong khi BV chỉ có 100 giường dành cho khoa Hô hấp. Hai bệnh chính mùa này là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Trẻ dưới hai tuổi chiếm 80% là viêm tiểu phế quản, trẻ trên hai tuổi 70%-80% là viêm phổi.

Trẻ bệnh hô hấp tăng đột biến ở các bệnh viện nhi. Ảnh: TÙNG SƠN

Hai biện pháp phòng bệnh

Để hạn chế trẻ bị mắc các bệnh hô hấp mùa này, theo BS Tuấn có hai giải pháp. Thứ nhất, đối với trẻ sơ sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị các bệnh mạn tính (suy giảm miễn dịch, tim mạch…) rất dễ bị tác động xấu do thời tiết lúc nóng lúc mưa. Phải bảo vệ trẻ bằng cách trời mưa thì mặc áo đủ ấm; trời nóng sử dụng quạt máy, máy lạnh hợp lý, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Thứ hai, về lâu dài làm tốt việc rửa tay, bởi không chỉ tốt trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mà còn phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thông thường. Bên cạnh đó, không cho em bé tiếp xúc với người bị cảm ho, dù cảm ho thông thường.

“Cần lưu ý là tăng cường dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho ăn thêm rau quả có nhiều vitamin để tăng thêm sức đề kháng. Trẻ dưới sáu tháng tuổi thì cần cho bú sữa mẹ. Ngay cả khi trẻ viêm phổi mà bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu thì sẽ giảm 1/4 nguy cơ mắc bệnh viêm phổi” - TS Tuấn cho biết.

BS Tuấn cũng khuyến cáo chủng ngừa là vấn đề cần quan tâm. Hiện có loại vaccine mới phòng ngừa vi khuẩn phế cầu - gây viêm tai, viêm phổi. Loại vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ sáu tuần tuổi. “Theo khuyến cáo của WHO, nếu trẻ được chủng ngừa Hib (có trong chương trình tiêm chủng mở rộng) và vaccine ngừa phế cầu thì giảm đến 50% viêm phổi” - BS Tuấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm