Mời BS phòng mạch tư sẽ làm BS gia đình: Dễ gì?

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, cho biết trong thời gian qua, đã có 6 tỉnh, thành thực hiện Đề án là Hà Nội, TP.HCM, Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang (Thái Nguyên, Hải Phòng thuộc đề án nhưng chưa thực hiện). Đã có 480 BS học chuyên khoa BSGĐ. Cả nước hiện cũng có 240 phòng khám BSGĐ, khám hơn 800 ngàn lượt bệnh nhân, 3.800 lượt cấp cứu, 12 ngàn lượt thủ thuật, chuyển tuyến hơn 14 ngàn lượt, đến khám tại nhà hơn 3.000 lượt...

Dù đạt được những thành tựu bước đầu là chăm sóc sức khỏe cho người dân tuyến cơ sở, tuy nhiên, hiện khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều thách thức về mô hình, trình độ nhân lực, đào tạo, cơ chế tài chính, chuyển tuyến, bệnh án...

Mời BS phòng mạch tư sẽ làm BS gia đình: Dễ gì? ảnh 1

Muốn tham gia quản lý sức khỏe theo mô hình BSGĐ nhưng trả phí dịch vụ cao, BHYT thanh toán thấp là một trở ngại lớn đối với người dân. Ảnh: TÙNG SƠN

Dân chưa “mặn” với BSGĐ

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, cho biết bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ được nhiều cái lợi. Thứ nhất là được BS khai thác kỹ về tiền sử bệnh (từ lúc tiêm chủng, sinh thường hay khó, gia đình có ai bị bệnh mãn tính di tuyền)... Thứ hai, được tư vấn, tổ chức khám sàng lọc, quản lý bệnh, hướng dẫn phương pháp điều trị, lối sống, thuốc men và thời giam khám bệnh từ 10-15 phút, điều mà tại các BV không có được. Thứ ba, nếu bệnh nhân bị bệnh nặng thì phòng khám BSGĐ sẽ chuyển lên tuyến trên nhanh chóng, kịp thời và theo dõi xuyên suốt...

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện người dân suy nghĩ BSGĐ là một hình thức tới tại gia khám, chữa bệnh và lấy tiền dịch vụ rất cao nên “ngại” đến. Nếu như phòng khám BSGĐ tại Huế, bệnh nhân đến phòng khám thì sẽ trả 10 ngàn đồng, BS đến tại nhà là 20 ngàn đồng thì tại TP.HCM, quy định của Sở Y tế là không lấy giá khám quá 45 ngàn đồng. Tuy vậy, có nơi lấy giá 80 ngàn đồng/lần khám, thậm chí 100-200 ngàn đồng. Như vậy, ngoài tiền công khám mà BHYT cho trả rất ít, số còn lại người dân phải móc tiền túi trả. Các loại dịch vụ, kỹ thuật khác đều được BHYT chi trả theo quy định. Trong khi ở các nước tiên tiến, người dân đến phòng khám BSGĐ khám bệnh mà không hề quan tâm đến tiền nong.

Tuy vậy, hầu hết các đại biểu đều nêu lên ý kiến là phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế (phần lớn), nhưng người dân thì chưa tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh nơi này nên cũng không đến, đặc biệt là ở các TP lớn. Điều bất cập tiếp theo là người đến khám tại trạm y tế đa số là người nghèo nên không đủ khả năng chi trả theo giá dịch vụ. Tại trạm y tế, trang thiết bị, thuốc cũng chưa đầy đủ về số lượng, chủng loại. Một số thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, hoen phế quản, COPD... không được cấp tại trạm y tế.

BS phòng khám tư làm BSGĐ?

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng việc triển khai phòng khám BSGĐ không phải là thành lập một hệ thống song song với hệ thống y tế cơ sở đã có mà là triển khai bên trong nó, tức lồng ghép trong trạm y tế, phòng mạch tư. Bản thân các đơn vị y tế này cũng đã làm chức năng BSGĐ nhưng vấn đề là chưa làm ra quy củ, đặc sản nguyên lý của y học gia đình.

Thực trạng phần lớn bệnh nhân lên tuyến trên khám, điều trị mà chủ yếu là các bệnh thông thường khiến BV quá tải, đáng lý ra các bệnh này mạng lưới BSGĐ làm được. “Triển khai BSGĐ sẽ lập lại trật tự của việc chăm sóc ngoại trú, nội trú, cân đối lại BHYT. Giống như không có tuyến Metro, bệnh nhân đi tràn ngập trên đường gây ùn tắc giao thông. Khi có hệ thống Metro thì nhu cầu đi lại trên mặt đường sẽ giảm, việc triển khai BSGĐ cũng sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên, giảm bệnh nặng. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân lúc nào cũng có nhưng chính sách về nhân sự, tài chính, BHYT... đang khiến bệnh nhân dồn lên tuyến trên”, PGS-TS Hiệp nói.

Trên thế giới có hai mô hình hoạt động phòng khám BSGĐ, dạng phòng mạch tư được cấp BSGĐ khám theo định suất, và phòng khám BSGĐ quy mô phòng khám đa khoa khám theo dịch vụ như ở Mỹ. Dạng phòng mạch tư được cấp BSGĐ khám theo định suất, thí dụ nhà nước khoán 5 tỷ đồng/năm cho một BSGĐ quản lý 2.000-3.000 bệnh nhân, mỗi ngày họ khám trung bình 30-40 người và đến nhà 3-4 bệnh nhân. Nếu năm đó người dân ít bệnh thì tiền sẽ vào túi BSGĐ. Như vậy BSGĐ sẽ hướng bệnh nhân đến dự phòng, thay đổi yếu tố hành vi và lợi nhất là Nhà nước vì người dân không vào BV. Trường hợp khác, các nước tiên tiến, người dân già đi và gặp rất nhiều bệnh, nếu họ đi khám nhiều chuyên khoa thì sẽ tốn rất nhiều tiền. Người làm quản lý BHYT sẽ khuyên BSGĐ lập hồ sơ theo dõi các bệnh này bằng cách hội chẩn với các chuyên khoa, đề ra một chiến lược cá nhân cho bệnh nhân thì BHYT sẽ thanh toán và BSGĐ sẽ làm vì có lợi, người dân cũng có lợi vì không phải đi lung tung!

Ngoài ra, BSGĐ có hồ sơ quản lý sức khỏe đầy đủ, có chuẩn mực theo quy định và là công cụ quản lý của ngành. Sở dĩ BHYT các nước quản lý được tầng suất bệnh tật là nhờ vào hồ sơ mạng lưới quản lý này. Nếu một BS cho xét nghiệm cận lâm sàng, nhiều kháng sinh quá so với mặt bằng chung thì sẽ bị rút chứng chỉ hành nghề.

Tại sao BS phòng mạch không muốn làm BSGĐ? Theo PGS Hiệp, hiện ngành đang

áp dụng không công bằng quy chế giữa phòng khám BSGĐ tư và công. Nếu BS hành nghề ở phòng khám thí điểm làm BSGĐ ở BV công thì không bắt có chứng chỉ hành nghề, còn nếu làm tư nhân làm thì đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, thâm niên thực hành.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cái khó là BS tư khám bệnh ngoài giờ và thu tiền. “Tự dưng mời BS tư làm BSGĐ, nhưng bắt phải làm (đổi) chứng chỉ hành nghề, đòi hỏi thời gian thực hành, tiền khám theo BHYT 4-10 ngàn đồng, rồi đầu tư mạng, báo cáo... thì rất khó nhưng điều này Bộ rất tâm đắc nếu mời được họ. Tôi muốn đưa họ vào hệ thống BSGĐ vì họ tạo nên số lượng bệnh nhân đông nhất. Ban đầu cho họ khám, chữa bệnh, sau này đào tạo thêm cho họ tư vấn tiêm chủng, dự phòng...”, Bộ trưởng nói. Điều này Bộ trưởng giao cho ngành y tế TP.HCM và Hà Nội nghiên cứu, tham mưu.

Mời BS phòng mạch tư sẽ làm BS gia đình: Dễ gì? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hoạt động BSGđ sẽ có quy định riêng.Ảnh: TÙNG SƠN

Ra thông tư riêng về hoạt động BSGĐ

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang thí điểm ba mô hình BSGĐ: Mô hình BSGĐ tại trạm y tế đạt chuẩn, tại phòng khám đa khoa tư nhân và tại BV quận/huyện. Sắp tới Bộ sẽ nghiên cứu là có nên hay không BSGĐ quản lý theo địa bàn dân cư – giống như là BS phòng mạch tư.

Về nhu cầu nhân lực, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ sử dụng lực lượng là BS đa khoa, BS mới ra trường và đào tạo bồi dưỡng kiến thức từ 3-18 tháng. Ngoài ra, Bộ trưởng giao Sở Y tế TP.HCM, Hà Nội xây dựng chuẩn về chứng chỉ hành nghề, mô hình, trang thiết bị, chuẩn hồ sơ bệnh án bằng giấy và điện tử...

“Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư riêng quy định về chuyển tuyến, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, đào tạo, BHYT phối hợp, gắn BSGĐ với viện-trường... Trước tiên, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, ban soạn thảo phát triển Đề án BSGĐ và xây dựng thông tư hoạt động BSGĐ. Chậm nhất là đến quý I-2016 sẽ ban hành thông tư này để làm hành lang pháp lý thực hiện”, Bộ trưởng nói.

Ngày 22-3-2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm