MERS-CoV: Báo động chết người!

“Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) là một bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao (hơn 38%). Virus chết người này có thể vào Việt Nam bất cứ lúc nào do sự giao lưu đi lại giữa các nước có dịch là rất lớn”. Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Dịch bệnh đã lan sang Hàn Quốc, Trung Quốc

. Thưa ông, hội chứng viêm đường hô hấp do virus corona (MERS-CoV) đang diễn biến ra sao?

+ PGS-TS Trần Đắc Phu: MERS-CoV đã xuất hiện đầu tiên ở Saudi Arabia từ năm 2012 và lan sang chín nước vùng Trung Đông. Hiện nay không chỉ có ở các nước khu vực Trung Đông ghi nhận ca bệnh mà nó đã xuất hiện ở 26 quốc gia khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Đặc biệt gần đây nhất có ca bệnh ở Hàn Quốc, từ một trường hợp đi từ Bahrain về Hàn Quốc thì đã lây ra 25 trường hợp khác, trong đó có hai người đã tử vong. Tại Trung Quốc cũng có một trường hợp mắc MERS-CoV, đây chính là trường hợp mắc ở Hàn Quốc lây sang. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có 1.154 trường hợp nhiễm bệnh và 434 trường hợp tử vong (cả người dân và cán bộ y tế).

. MERS-CoV nguy hiểm thế nào?

+ Tác nhân gây bệnh MERS-CoV thuộc nhóm corona virus, cùng họ với virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã từng xuất hiện năm 2003 làm 800 người chết. Nguyên nhân ban đầu virus này xuất phát từ dơi, qua lạc đà rồi lây sang người. Nguy hiểm là bệnh này có thể lây từ người sang người, tuy không lây lan nhanh như SARS nhưng có tỉ lệ tử vong cao. Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, tổn thương nhu mô phổi… Tuy vậy, vẫn có tới gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên rất khó chẩn đoán. Thời gian ủ bệnh rất dài (2-14 ngày), bệnh lây trực tiếp từ người qua người nên nếu có ca bệnh thì khả năng lây lan virus ra cộng đồng sẽ rất lớn. Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn suy hô hấp nặng thì diễn tiến bệnh rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong.

Chặn dịch từ cửa khẩu

. Trước tình hình bệnh đã xuất hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc, trong khi lượng người qua lại du lịch, làm ăn từ các nước này với Việt Nam rất lớn, Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp gì để ngăn dịch?

+ Ngay từ năm 2012 khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở các nước Ả Rập, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là trong năm 2014. Quan điểm của Bộ Y tế là chặn dịch ngay từ cửa khẩu. Bộ Y tế đã ban hành ba kịch bản ứng với ba tình huống: Khi dịch bệnh chưa vào Việt Nam; khi xuất hiện một ca bệnh và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Trong tình huống hiện nay khi chưa có ca bệnh, chúng tôi tăng cường giám sát, kiểm tra cửa khẩu quốc tế bằng cách đo thân nhiệt và áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ chín nước khu vực Trung Đông.

Rút kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế ở Hà Nội và TP.HCM để có thể phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập đầu tiên. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện để tránh lây lan cho cộng đồng.

. Hiện nay đã có vaccine điều trị đặc hiệu MERS-CoV chưa?

+ Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do MERS-CoV. Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Việt Nam đã có đầy đủ các phòng xét nghiệm để phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời cũng có kinh nghiệm trong điều trị bệnh SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1.

. Xin cám ơn ông.

Áp dụng khẩn tờ khai y tế hành khách đi và đến Hàn Quốc

Ngày 2-6, Bộ Y tế đã họp khẩn với các tổ chức quốc tế để tìm biện pháp ứng phó với dịch MERS-CoV. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các chùm ca bệnh đã xảy ra chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế, chưa ghi nhận có sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch có khả năng lan truyền quốc tế nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống. “Tại Việt Nam hiện vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus MERS-CoV. Tuy vậy, dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào nước ta bất cứ lúc nào” - ông Long nói.

Ông Long yêu cầu ngành y tế khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với dịch MERS-CoV theo tình huống 1 (khi chưa có bệnh nhân), đồng thời chuẩn bị ngay các phương án cho tình huống 2 (khi xuất hiện bệnh nhân).

Theo đại diện WHO tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sự biến chủng của virus này. Nghĩa là các ca bệnh phát sinh chủ yếu là những người có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân chứ chưa có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương áp dụng ngay tờ khai y tế tại tất cả cửa khẩu đối với hành khách đi và đến từ Hàn Quốc.

TP.HCM: Giám sát chặt qua đường hàng không

“Trước diễn biến phức tạp của hội chứng viêm đường hô hấp do virus Corona (MERS-CoV), ngành y tế TP.HCM đang tăng cường giám sát tại các bệnh viện và ngoài cộng đồng” - BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Cũng theo BS Hưng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn duy trì thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách đến từ những nước xảy ra MERS-CoV và kiểm tra thân nhiệt.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm