Khám BHYT tuyến dưới: Đủ thứ thiệt thòi!

Người dân thích đi khám bệnh ở trạm y tế (TYT) vì gần nhà nhưng mua bảo hiểm y tế (BHYT) không được do vướng quy định phải mua theo hộ gia đình; thuốc BHYT cung cấp cho TYT quá ít; BHYT không thanh toán các loại xét nghiệm cận lâm sàng… tại TYT. Đó là phản ánh của người dân và các TYT với Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM trong chuyến khảo sát nhiều ngày mới đây tại huyện Củ Chi.

Dân kêu khổ

Là một người tư vấn cho dân mua BHYT, ông Đinh Văn Ngọc (ấp 1, xã Phạm Văn Cội) nắm khá rõ tình hình mua BHYT trong nhân dân. Ông Ngọc “nói thiệt” là người dân chưa mặn lắm với BHYT.

Theo ông Ngọc, mua BHYT hiện có ba bất cập. Thứ nhất là phải mua theo hộ gia đình. Ông Ngọc kể một câu chuyện thực tế: Nhà kia cha mẹ gả con gái, con rể muốn mua BHYT cho cha mẹ vợ để tỏ lòng hiếu thảo nhưng khi đến mua thì đại lý BHYT bắt phải mua… cả nhà vợ. Con rể trình bày là chỉ mua cho cha mẹ vợ thôi chứ không đủ khả năng mua cho cả nhà vợ. Bên bán nói làm thế là sai quy định. Thế là tắc tị!

Thứ hai, người dân bị bệnh nặng thì phải chuyển lên tuyến trên ở TP nhưng khi tham gia BHYT thì chỉ được đăng ký ở tuyến huyện. Do vậy khi thanh toán BHYT họ rất vất vả, đi lại rất nhiều lần trong khi đường sá trong huyện xa xôi.

Thứ ba, lớn lên có người phải đi học, đi làm ăn xa. “Chẳng hạn như con tôi học ở TP, mua BHYT ở TP. Dịp nghỉ hè vừa rồi con tôi về nhà bị bệnh nhưng đến Bệnh viện (BV) Củ Chi khám thì nơi này nói thẻ BHYT không đúng tuyến, bắt phải trả tiền thuốc 100%. “Tham gia BHYT mà không được hưởng quyền lợi gì cả thì mua làm gì!” - ông Ngọc giãi bày.

Người dân đang được sơ cấp cứu vết thương tại Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: TÙNG SƠN

Trạm y tế cũng kêu khổ

Ông Trần Văn Nhỡ, Trưởng TYT xã Phú Mỹ Hưng, cho biết Củ Chi có địa bàn rộng nên dân thích khám bệnh ở TYT vì gần nhà. Nhưng những kỹ thuật như đo đường huyết, siêu âm… khi khám BHYT ở TYT lại không được cơ quan BHYT thanh toán. “Thấy vậy nhiều khi tôi nản quá cũng không lấy tiền của bệnh nhân” - ông Nhỡ trình bày.

Một thực tế khác được các TYT ở Củ Chi nêu ra là… thiếu thuốc. “Danh mục thuốc của TYT có trên 50 loại nhưng khi thuốc về có… chín loại. Các thuốc hạ nhiệt, huyết áp… không có. Thậm chí bệnh viêm họng cũng không có kháng sinh điều trị. Vận động người dân đăng ký khám BHYT tại TYT nhưng trạm không có thuốc thì sao vận động?” - lãnh đạo một TYT bày tỏ.

Một khó khăn nữa là người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT tại TYT, dù trang thiết bị, con người có nhưng khi siêu âm thì không được thanh toán, đây là điều tồn tại chưa giải quyết được.

Bệnh viện cũng khổ lây

Làm việc với các đại biểu Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, BS Nguyễn Minh Thành, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Củ Chi, khẳng định việc buộc mua BHYT theo hộ gia đình gây khó khăn cho hộ nghèo trong huyện. “Nhiều hộ có cả chục người, họ đến BV mua BHYT, sau khi được tư vấn họ… bỏ về, chấp nhận không mua” - BS Thành kể.

BS Thành cũng cho biết thời gian mua BHYT thường mất tới hai tháng. Trong thời gian chờ thẻ, người dân bị bệnh đến BV nói đã mua thẻ, đóng tiền rồi thì phải được giải quyết. Còn phía BV thì phải có thẻ mới quyết toán được với BHYT. Thế là người dân “một đi không trở lại”.

Một điều nữa là do BV Đa khoa khu vực Củ Chi là hạng hai nên không được khám BHYT trái tuyến vì BHYT không thanh toán nên nhiều bệnh nhân đến không khám được (trừ điều trị nội trú được thanh toán 60%).

Tổ chức, tuyên truyền… chưa tới!

Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng để tháo gỡ các vướng mắc trên, trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân về tổ chức thực hiện BHYT tại TYT; có sự phối hợp giữa cơ quan BHXH, ngành y tế. Đồng thời, cơ quan BHXH cần phối hợp với UBND xã, ấp thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân.

“Tôi nhận thức rằng tại Củ Chi và đặc biệt các xã nông thôn mới, việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại TYT là rất phù hợp do địa bàn rộng. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất, con người và công tác thông tin tuyên truyền… thực hiện chưa tới nên người dân vẫn chưa mặn mòi mua BHYT tại TYT. Hầu hết là do nguyên nhân chủ quan do cơ quan BHXH, BHYT gắn kết với các đơn vị ngành dọc chưa thật xuyên suốt” - bà Châu nói.

“Thông tuyến”

Trước những nỗi khổ của người dân và TYT, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Từ ngày 1-1-2016, BHYT sẽ “thông tuyến từ quận, huyện trở xuống”. Bà Liễu giải thích lúc đó người dân đăng ký BHYT ở BV quận, huyện khi xuống TYT phường, xã khám bệnh hoặc ngược lại; cũng như từ xã, phường qua xã, phường, quận, huyện qua quận, huyện đều được BHYT thanh toán đầy đủ.

Theo kế hoạch, chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 8 (Chủ nhật 2-8) do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức sẽ bàn chuyên đề “Mua BHYT theo hộ gia đình và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập”. Tại đây, các cơ quan chức năng sẽ bàn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được người dân đặt ra trong bài viết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm