Trị biếng ăn bằng Peritol: Rất nguy hiểm

“Thuốc Cyproheptadine (tên thương mại phổ biến là Peritol - NV) dùng điều trị dị ứng nhưng nhiều cha mẹ cho con uống để trị chứng biếng ăn. Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng xấu bởi thuốc Cyproheptadine” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết.

Bà H. (Tân Bình, TP.HCM) thổ lộ với bác sĩ: “Con trai tôi tuổi rưỡi, không chịu ăn. Làm nhiều cách, thay đổi nhiều món cũng chẳng kết quả. Người ốm tong ốm teo. Nghe mấy bà ở chợ kháo thuốc Cyproheptadine trị biếng ăn hay lắm, tôi ghé nhà thuốc hỏi mua. Trước mỗi buổi ăn tôi cho uống nửa viên nên con ăn nhiều hơn, ngày càng có da có thịt”.

Vài tháng sau, thấy con có triệu chứng lạ như lớ ngớ lờ ngờ, táo bón, tiểu khó…, bà H. mang đến bác sĩ. Chẩn đoán bà cho con uống Cyproheptadine quá liều, bác sĩ khuyên ngưng ngay và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho con.

Tương tự, ông C. (Long An) nghe người quen bày, mua thuốc Cyproheptadine cho đứa con gái hai tuổi uống và bé ăn nhiều hẳn lên. Trong vòng một tháng nặng thêm vài ký.

Trị biếng ăn bằng Peritol: Rất nguy hiểm ảnh 1

Rất nguy hại nếu tùy tiện dùng thuốc Cyproheptadine trị chứng biếng ăn ở trẻ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tuy nhiên, có lần không được cho uống thuốc Cyproheptadine nên con ông C. nhơi nhơi miếng cơm rồi bỏ ngang cho dù đầy đủ thịt, cá thơm ngon. “Tôi liền cho uống viên Cyproheptadine, lát sau cháu ăn uống ngon lành. Tôi sợ cháu đã nghiện thuốc Cyproheptadine. Thỉnh thoảng tôi còn thấy cháu ngủ gà ngủ gật, người lờ đờ” - ông C. lo lắng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết Cyproheptadine (còn có tên biệt dược Periactin, Périactine, Peritol, Ciplactin, Ciprodin) dùng điều trị dị ứng nổi mề đay, ngứa, sổ mũi, co thắt phế quản, viêm kết mạc mắt… Tuy nhiên, do Cyproheptadine kích thích sự thèm ăn nên nhiều người tùy tiện dùng chữa bệnh biếng ăn. Thuốc Cyproheptadine nếu uống quá liều gây buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, hôn mê, thậm chí co giật, giãn đồng tử, bất động…

Theo TS Đức, Cyproheptadine không được dùng cho trẻ dưới hai tuổi vì gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương khiến trẻ rơi vào tình trạng ngầy ngật trong thời gian dài.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết thêm cảm giác thèm ăn chỉ xuất hiện khi trẻ uống Cyproheptadine. Tuy nhiên, nếu ngưng uống thuốc trẻ sẽ không ăn hoặc ăn ít, sụt cân trở lại. Trung tâm cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ ngớ ngẩn, ngủ vùi… vì ảnh hưởng của thuốc Cyproheptadine do uống quá tùy tiện.

Trẻ biếng ăn có nhiều nguyên nhân: Sinh lý, bệnh lý và sai lầm cách cho ăn. Nguyên nhân sinh lý thường xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi, đặc biệt trẻ trên hoặc dưới hai tuổi. Trong giai đoạn nhất định, kéo dài dưới một tuần, trẻ bỗng dưng biếng ăn, mặc dù không bệnh gì. Cha mẹ hãy bình tĩnh bởi qua giai đoạn này trẻ sẽ ăn bình thường như trước đây.

Nguyên nhân bệnh lý xảy ra ở trẻ bị rối loạn tâm thần (tự kỷ, tăng (lưu ý: tăng, không phải năng) động…) hoặc trẻ từng bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, bị lao, viêm gan, đặt nội khí quản… Trong trường hợp này, do điều trị bệnh lý nên trẻ sẽ biếng ăn.

Nguyên nhân do sai lầm cách cho ăn khiến trẻ biếng ăn thường xảy ra ở trẻ từ một đến ba tuổi. Nguyên nhân này do cha mẹ cho trẻ ăn không phù hợp với lứa tuổi (cho ăn nhiều, món ăn nấu loãng hoặc đặc sệt). Cũng có trường hợp trẻ không biếng ăn nhưng cha mẹ nghĩ trẻ biếng ăn. Trong tình huống này, cha mẹ phải điều chỉnh cách ăn phù hợp từng lứa tuổi, chế biến nhiều món ăn đa dạng. Cho trẻ ăn trong vòng 30 phút và để trẻ tiếp xúc với thức ăn (cầm, bốc…) để trẻ ăn ngon hơn. Không cho trẻ uống nước ngọt giữa bữa ăn…

BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP,
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm