Trẻ vẹo cổ, nằm sao cho đúng?

Vẹo cổ bẩm sinh do tật cơ, hay còn gọi là u cơ ức đòn chũm là một dị tật về cơ quan vận động thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng thường do tư thế xấu trong tử cung (ở trẻ sinh ngôi mông, dây nhau choàng cổ…) dẫn đến mạch máu nuôi cơ bị chèn ép làm cho cơ ức đòn chũm bị xơ hóa, hoặc trong các trường hợp sinh khó, mạch máu trong cơ bị đứt gây chảy máu, cục máu đông bị xơ hóa làm co rút nhóm cơ này.

Trẻ bị vẹo cổ có khối u cơ hình quả trám cứng, co rút, không đau tại vị trí của cơ ức đòn chũm (thường nhầm lẫn với hạch cổ đau do viêm nhiễm). Đầu của trẻ nghiêng về một phía và mặt nghiêng về phía đối diện, có thể kèm theo mặt lép, đầu méo, về lâu dài có thể bị vẹo cột sống nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

Theo y văn, đa số các trường hợp vẹo cổ là bé trai và thường gặp u cơ bên phải 8% kèm theo trật khớp háng bẩm sinh. Nếu được phát hiện sớm, tốt nhất là dưới một tháng tuổi, tập vật lý trị liệu sớm, liên tục và đúng cách, khối u cơ sẽ mất, tầm vận động nghiêng và xoay cổ sẽ trở lại bình thường.

Trẻ vẹo cổ, nằm sao cho đúng? ảnh 1

Một số tư thế tốt hướng dẫn tập tại nhà cho bệnh nhân có khối u cơ bên phải. Những bệnh nhân có khối u bên trái tập ở chiều ngược lại. Ảnh: LTĐ

Trong trường hợp phát hiện trễ hoặc tập không liên tục, cơ sẽ bị co rút, do vậy cần phẫu thuật để kéo dài cơ, sau đó vẫn tiếp tục tập vật lý trị liệu để duy trì độ dài cơ. Như vậy việc điều trị sẽ tốn kém và lâu dài hơn nhưng đôi khi kết quả không thành công hoàn toàn.

Phòng tập tốt nhất phải yên tĩnh, tập khi bé ngủ. Cách tập là tập chậm, nhẹ nhàng, kéo dãn thụ động nhẹ nhàng cơ co rút bằng động tác nghiêng và xoay cổ, không xoa bóp lên khối u cơ. Mỗi động tác kéo dãn khoảng năm phút và kéo dài 30 phút cho một lần tập, động tác được lập nhiều lần, tập nhiều lần trong ngày. Phải luôn giữ trẻ thoải mái và thư giãn trong suốt thời gian tập luyện.

CN.VLTL LÊ THỊ ĐÀO (Khoa Vật lý trị liệu - BV Nhi đồng 2)

Một số điều cần lưu ý khi kéo dãn thụ động:

- Kéo dãn nhẹ nhàng, không kéo dãn tối đa ngay tức khắc mà phải kéo dãn từ từ.

- Do khối u cơ tạo lên một áp suất đè lên mạch máu u cơ cho nên khi thực hiện cử động xoay cổ dễ gây ra đau và xanh tím, vì vậy nên tập xoay một cách từ từ cho đến khi khối u nhỏ đi.

- Không nên tập khi đứa trẻ có sức kháng cự mà nên dừng lại đợi khi trẻ thả lỏng.

- Tư thế tốt là tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Khi trẻ có khả năng tiếp xúc thì kích thích trẻ tự xoay đầu bằng tiếng động, ánh sáng hoặc bằng các dụng cụ như banh, bập bênh… trong mọi tư thế (sấp, ngửa, ngồi).

. Trẻ bị vẹo cổ nếu không tập vật lý trị liệu sẽ bị méo đầu, dẹp đầu?

+ Đúng. Trẻ bị vẹo cổ lâu ngày nếu không tập luyện sẽ khiến trẻ bị niểng đầu, khi nằm chỉ có thể nằm một bên và lâu ngày sẽ dẫn đến méo đầu, dẹp đầu.

. Nếu trẻ trên một tháng tuổi thì khối u không mất được?

+ Chưa hẳn. Có trẻ đến với mình đã hơn 1,5 tháng nhưng u nhỏ hơn so trẻ đã được điều trị dưới một tháng thì kết quả vẫn khả quan hơn. Song nhiều nghiên cứu cho thấy dưới một tháng tuổi là thời gian lý tưởng để tập cho trẻ.

. Có trường hợp khối u có thể nhỏ lại nhưng vẫn bị co rút?

+ Đúng, nhất là trong trường hợp trẻ được đưa đến điều trị quá trễ.

(CN.VLTL Lê Thị Đào)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm