Sữa dành cho người bệnh tiểu đường: Không uống tùy tiện!

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khuyến cáo.

Chế độ ăn uống, lối sống, vận động… không hợp lý dễ dẫn đến thừa cân, béo phì là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như lớn tuổi, phụ nữ trong giai đoạn mang thai, gia đình có người bệnh tiểu đường…Người có nguy cơ cần thay đổi lối sống, tăng cường vận động, ăn uống hợp lý. Người đã bệnh tiểu đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc hợp lý, đồng thời biết theo dõi bệnh. Cả bốn yếu tố phối hợp đồng bộ thì biến chứng tiểu đường sẽ chậm xuất hiện.

Yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường là dinh dưỡng, trong đó có việc sử dụng sữa dành cho người bệnh tiểu đường. Loại sữa đặc biệt này có chỉ số đường huyết thấp, khi uống không làm tăng đường huyết. Trong khi các loại sữa thông thường khác (sữa nguyên kem có đường, sữa bột nguyên kem…) thì chỉ số đường huyết cao, gây hại cho người bệnh. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là sữa dành cho người bệnh tiểu đường được dùng thay thế bữa ăn chính chứ không phải dùng để uống thêm như nhiều người lầm tưởng. Nếu người bệnh tiểu đường không thể dùng cơm trưa do mệt mỏi thì thay thế bằng một ly sữa dành cho người tiểu đường. Không nên vừa dùng bữa cơm lại vừa uống sữa.

Sữa dành cho người bệnh tiểu đường: Không uống tùy tiện! ảnh 1

Sữa dành cho người bệnh tiểu đường chỉ được sử dụng để thay thế bữa ăn chính. Ảnh minh họa: T.NGỌC

Tất cả phòng khám nội tiết của các bệnh viện đều tổ chức chương trình tư vấn những vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường. Riêng BV Đại học Y Dược TP.HCM còn tư vấn và khám bàn chân vì đây là bộ phận dễ bị biến chứng do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường. 50% bệnh nhân đoạn chi do tiểu đường và 25% bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do tiểu đường buộc phải nhập viện.

Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết Việt Nam

Một khi người bệnh tiểu đường ăn uống đúng số bữa do bác sĩ tư vấn thì cơ thể đã được cung cấp đầy đủ năng lượng thích hợp. Nếu đã sử dụng đầy đủ các bữa ăn chính mà người bệnh còn uống thêm sữa dành cho người bệnh tiểu đường sẽ làm gia tăng năng lượng cho phép, dẫn đến thực trạng lên cân, thừa mỡ, ảnh hưởng đến nội tiết tố cần thiết có chức năng làm giảm đường huyết trong máu.

Cũng theo bác sĩ Diệp, trong trường hợp người bệnh tiểu đường không thể dùng được sữa dành cho người mắc bệnh này thì có thể sử dụng sữa tách béo, sữa không đường. Tuy nhiên, chỉ số đường huyết trong sữa tách béo, sữa không đường vẫn cao hơn so với sữa dành cho người bệnh tiểu đường.

Người mới bị tiểu đường hoặc mới rối loạn đường huyết thì chỉ nên ăn uống và vận động hợp lý, không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, người đã bị tiểu đường lâu năm hoặc ở giai đoạn nặng thì nhất thiết phải phối hợp ăn uống, vận động và uống thuốc.

Bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Bệnh thêm nặng sau khi… uống sữa!

Theo thói quen, sau mỗi bữa cơm, ông H. (58 tuổi) uống một ly sữa bột nguyên kem, tối trước khi ngủ ông làm thêm ly nữa nên trọng lượng cơ thể ngày càng tăng. Lo sợ mắc bệnh, ông đến bác sĩ khám và được biết có nguy cơ bị bệnh tiểu đường, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, nhất là hạn chế uống sữa quá ngọt.

Do sữa là thức uống không thể thiếu nên ông H. chuyển sang sử dụng sữa dành cho người bệnh tiểu đường. Vài tháng sau, thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, ông tìm đến bác sĩ. Kết quả cho thấy ông H. bị bệnh tiểu đường type 2 với lý do: “Uống quá nhiều sữa dành cho người bệnh tiểu đường”!

Tương tự, bà M. (56 tuổi) cũng bị tiểu đường nặng do uống quá nhiều… sữa dành cho người bệnh tiểu đường. Trước đó, lo sợ uống sữa bột nguyên kem sẽ ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường mà mình đang mắc phải, bà M. tìm mua sữa dành riêng cho người bệnh tiểu đường và uống thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, bà M. có biểu hiện tăng cân, hoa mắt, thở nhanh… Kết quả khám bệnh cho thấy bà M. bị tiểu đường type 2, đường huyết trong máu khá cao. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây tổn thương võng mạc, thận, mạch máu, thần kinh…

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bệnh nhân bị tiểu đường ở Việt Nam tăng rất nhanh so với thế giới. Tại những thành phố lớn, hiện tỉ lệ bệnh tiểu đường ở người trưởng thành chiếm khoảng 7% trong khi năm năm trước chỉ độ 4%.

TRẦN NGỌC

----------------------------------------------------------------------

. Trẻ bị tiểu đường sử dụng được sữa dành cho người lớn bệnh tiểu đường?

+ Sai. Mỗi loại sữa có công thức riêng thích hợp với từng thể trạng, lứa tuổi.

. Sử dụng sữa dành cho người bệnh tiểu đường rất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ?

+ Đúng. Tùy mỗi bệnh nhân mà bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng riêng để cơ thể thu nhận nguồn năng lượng thích hợp.

. Sữa dành cho người bệnh tiểu đường cần được pha chế thích hợp?

+ Đúng. Pha chế sữa đúng liều lượng sẽ giúp cơ thể tiếp nhận nguồn dinh dưỡng hợp lý. Cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

. Người không bị tiểu đường uống nhiều sữa dành cho người bị tiểu đường sẽ không bị bệnh này?

+ Sai. Sữa dành cho người bị tiểu đường không có tác dụng phòng ngừa bệnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm