Sốt, ho, sổ mũi không cần lên tuyến trên

BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 với 1.400 giường nhưng hiện lượng bệnh nhi nội trú đã tăng rất cao, khoảng 2.000 trẻ/ngày (mọi năm 1.600-1.700 trẻ/ngày). Số bệnh nhi đến khám mỗi ngày cũng đạt mức kỷ lục mới trên dưới 7.000 ca. Trong phòng bệnh, trẻ nằm đôi, ba, thậm chí tràn cả ra hành lang, sân bệnh viện. Điều này đã khiến hai bệnh viện tăng cường bác sĩ ra ngồi bàn khám, ngay cả lãnh đạo bệnh viện cũng mang ống nghe đi khám bệnh.

Bệnh tăng theo mùa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 19-10, TS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết các bệnh đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn thì mùa này trẻ 0-5 tuổi rất dễ bị mắc. Đặc biệt là trẻ từ sáu tháng đến một tuổi.      

Theo TS Liên, các yếu tố gây nên bệnh này là: Cơ địa, đề kháng miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Thời tiết không tốt, nắng mưa bất thường hay lạnh quá khiến trẻ dễ nhiễm siêu vi. Ô nhiễm môi trường như khói xe, thuốc lá… cũng là một tác nhân khiến trẻ nhiễm bệnh. “Tôi thấy môi trường cũng là một vấn đề quan tâm nhưng không hẳn đó là nguyên nhân chính. Có thể đây là mùa tựu trường, trẻ đi học, lây bệnh dây chuyền cho nhau nên lượng bệnh tăng cao” - BS Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Nhi đồng 2, nhận định.     

Sốt, ho, sổ mũi không cần lên tuyến trên ảnh 1

Bệnh nhi tiêu hóa nằm tràn ra ngoài sân BV Nhi đồng 1. (Ảnh chụp ngày 19-10) Ảnh: TÙNG SƠN

Đây cũng là thời điểm vào đỉnh dịch thứ hai của bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, do năm “con rồng” sinh đông nên số bệnh nhi nhắc các bệnh lý sơ sinh như sinh non, ngạt, dị tật bẩm sinh... tăng. Hiện khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 1 có đến 300 em, Nhi đồng 2 là 200 em.

Bệnh nhẹ tuyến dưới khám cũng được

Theo BS Liên, những trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp với các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, thở mệt co kéo, tím môi... có thể chăm sóc, theo dõi ở nhà bằng cách cho uống hạ sốt, thông thoáng đường thở bằng xịt mũi, cho uống thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.

Khi trẻ sốt hai ngày không khỏi với các triệu chứng không ăn, không ngủ, li bì, thở mệt... mới đưa đến bệnh viện. Nhưng cần chú ý là uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5oC trở lên. Tuy nhiên, với những trẻ sốt dưới mức này nhưng co giật hoặc bứt rứt, khó chịu vẫn phải cho uống để giảm triệu chứng. Uống phải đúng thời gian và không quá liều lượng bác sĩ chỉ định, nếu không sẽ bị ngộ độc, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp như thế này. Một số phụ huynh cho trẻ uống hạ sốt thấy không hết nên cho uống tiếp, thay vì phải chờ 4 giờ sau mới được uống.

Về bệnh tiêu hóa là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một số do nhiễm vi khuẩn, nhiễm độc. Đối với tiêu chảy, vấn đề quan trọng nhất là bù nước điện giải chứ không phải uống thuốc cầm tiêu chảy. Hầu hết các ca tử vong do tiêu chảy là do mất nước.

“Cha mẹ có kiến thức thì có thể chăm sóc trẻ ở nhà. Tuy nhiên, đa số phụ huynh bận việc làm ăn, không thể theo dõi thì mong muốn đưa con đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi, cho thuốc men và tư vấn hướng dẫn, đây là điều cần thiết” - TS Liên nói.

Đồng tình với quan điểm trên, BS Tùng cũng lưu ý thêm quý phụ huynh là những trẻ bệnh không cần phải hỗ trợ đến hô hấp (máy thở) và kỹ thuật cao thì tuyến huyện, tỉnh vẫn điều trị được, không nên vượt tuyến làm quá tải, tăng thời gian chờ đợi.

Để phòng các loại bệnh trong mùa này, phụ huynh cần cung cấp dinh dưỡng cho trẻ đủ bốn nhóm thức ăn: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin-muối khoáng. Hạn chế thay đổi đột ngột môi trường sống của trẻ như đang ở ngoài nắng vào phòng lạnh hoặc từ phòng lạnh ra nắng. Không để trẻ ra nắng, ra mưa, tiếp xúc với người bệnh. Nhiệt độ máy lạnh chỉ nên để 27oC, nằm quạt thì không cho thốc trực tiếp vào trẻ...

TS-BS LÊ BÍCH LIÊN, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm