Sẽ xử nghiêm việc chăn nuôi bằng chất cấm

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết trong thời gian vừa qua, cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số đại lý, cơ sở chăn nuôi tại một số tỉnh phía Nam (như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM) bán và sử dụng một số chất cấm trong chăn nuôi heo. Trước thông tin như vậy, giá thịt heo giảm 10%-15%. Tuy nhiên, theo ông Sơn, kết quả kiểm tra vừa rồi của cơ quan chuyên môn dừng lại ở một số mẫu nhỏ, vì thế chưa thể kết luận 30%-40% lượng thịt heo bán trên thị trường là nhiễm chất kích thích tăng trọng, tạo siêu nạc.

“Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi đi lấy mẫu để đánh giá một cách chính xác hơn, công khai cho người tiêu dùng biết. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và có biện pháp xử lý cương quyết đối với đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” - ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho hay dự kiến cuối tháng 3-2012 sẽ có kết quả kiểm tra chính xác tỉ lệ sử dụng chất cấm trên các đàn heo nuôi hiện nay.

Liên quan đến việc Trung Quốc vừa có thông báo tạm dừng nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, ông Sơn cho biết quyết định này ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành chăn nuôi trong nước. Hiện hằng năm VN xuất khẩu 2.000-5.000 tấn thịt (chủ yếu là thịt heo) sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chiếm khoảng 1% tổng lượng thịt nuôi cả nước. Lượng thịt không lớn nhưng sẽ gây áp lực tâm lý, các thương lái nhân cơ hội này ép giá người chăn nuôi, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. “Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm cũng như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, đồng thời giữ các thị trường truyền thống” - ông Sơn nhấn mạnh.

Về phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay, tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo: “Phải đảm bảo tiêm phòng toàn bộ cho đàn vịt tại ĐBSCL, không được chủ quan, lơ là vì khu vực này đang vào mùa vịt chạy đồng, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao”.

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ tết Nguyên đán tới nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 59 xã, phường của 42 quận, huyện thuộc 14 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 67.000 con. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết hiện lượng vaccine cúm gia cầm dự trữ còn 3 triệu liều, đủ cung cấp cho các tỉnh. Vừa qua, Cục Thú y đã cho nhập 10 triệu liều vaccine cúm gia cầm từ Trung Quốc, tới đây sẽ nhập tiếp 50 triệu liều vaccine theo kế hoạch.

Cũng tại cuộc họp, bảy đoàn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của Bộ NN&PTNT đã có báo cáo sau gần một tháng đi giám sát công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại 48 tỉnh, thành. Theo báo cáo ban đầu, ở cấp xã, phường của nhiều tỉnh vẫn còn lơ là với dịch cúm gia cầm; lực lượng thú y mỏng gây khó khăn cho việc quản lý ổ dịch; có địa phương chưa xây dựng cơ chế đền bù (35.000 đồng cho một con gia cầm bị bệnh phải tiêu hủy) theo quyết định mới của Thủ tướng...

Cứu sống bệnh nhân cúm A/H5N1 ở Đắk Lắk

Ngày 13-3, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết sau một tuần điều trị, bệnh nhân NĐT (32 tuổi, Đắk Lắk) bị mắc cúm A/H5N1 đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân đã hết thở máy. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân bị tổn thương hai bên.

Như đã thông tin, ngày 7-3, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân T. trong tình trạng khó thở, ho, sốt cao, viêm phổi nặng. Kết quả PCR tại Viện Pasteur TP.HCM xác định bệnh nhân T. bị nhiễm virus cúm A/H5N1. D.Tính

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm