Nỗi đau của trái tim (*)

14 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây, mẹ mất hơn một năm trước, em sống với ba và bà nội. Cô bé đến bệnh viện với chẩn đoán: Thông liên thất, tăng áp động mạch phổi nặng. Chúng tôi phải quyết định chụp mạch máu, khảo sát kháng lực động mạch phổi để xem còn có khả năng phẫu thuật hay không.

Tôi vẫn luôn hy vọng khi chờ kết quả chụp mạch máu. Nhưng cuối cùng tôi đã phải nghẹn lời ngồi giải thích cho ba và bà nội em rằng “khả năng phẫu thuật thành công rất thấp và em chỉ có khả năng sống thêm khoảng 5-10 năm nữa nếu không phẫu thuật”. Trong khi thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp và tương đối đơn giản. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị phẫu thuật ngay khi có biến chứng thì tỉ lệ tử vong hầu như bằng 0%.

Sau đó rất lâu, tôi vẫn luôn khắc khoải với những trăn trở giá như cô bé ấy được phát hiện bệnh tim sớm hơn; giá như có nhiều tổ chức nhân đạo xã hội giúp đỡ trẻ em nghèo mắc bệnh tim; giá như có nhiều hơn nữa những bệnh viện phẫu thuật tim ở các tỉnh và giá như chúng ta có được một hệ thống y tế chặt chẽ, chuyên môn cao để có thể phát hiện bệnh tim sớm từ trong bào thai để từ đó có kế hoạch chăm sóc và điều trị phẫu thuật khi em bé vừa chào đời…

Sự trăn trở này vẫn theo tôi trong suốt khoảng thời gian tôi tu nghiệp tại khoa Phẫu thuật tim nhi tại BV Texas Children Hospital - bệnh viện nhi lớn nhất nước Mỹ. Theo quy trình tầm soát bệnh tim nhi của họ, các sản phụ khi mang thai đến tuần thứ 22 đều được siêu âm tim thai với thiết bị máy siêu âm tiên tiến, có thể quan sát các cấu trúc trong buồng tim và được theo dõi mỗi bốn tuần. Nếu phát hiện dị tật tim quá phức tạp sẽ được khuyên bỏ thai. Khi trẻ sinh ra, chẩn đoán có dị tật tim sẽ được chuyển đến phòng hồi sức sơ sinh, nếu có chỉ định phẫu thuật sớm trong vòng 7-10 ngày sẽ được chuyển đến trung tâm phẫu thuật tim bẩm sinh…

Do điều kiện và khả năng hạn chế, nước ta hiện vẫn chưa có một trung tâm điều trị và phẫu thuật tim sơ sinh (dành cho trẻ dưới một tháng tuổi). Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng thực hiện chương trình mang tính quốc gia nhằm tầm soát và chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh cho trẻ ngay từ trong bào thai hoặc khi trẻ vừa mới chào đời. Nếu thực hiện được điều đó, có lẽ những số phận thương tâm như cô bé kể trên sẽ không còn là nỗi ám ảnh day dứt trong tâm tư người thầy thuốc.

Thực hiện được mong ước này, không chỉ là việc nâng tầm chuyên môn trong ngành tim mạch nước nhà lên một bước tiến mới so với khu vực, mà còn giải tỏa những tâm tư trăn trở của đội ngũ cán bộ y tế chúng tôi với những số phận trẻ em đáng thương mắc bệnh tim bẩm sinh. Rồi đây, những bệnh nhân tim bẩm sinh ấy sẽ được điều trị sớm và triệt để, các em sẽ không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.

ThS-BS PHẠM THẾ VIỆT, BV Hoàn Mỹ

(*) Bài viết nhân ngày Tim mạch thế giới 29-9-2012.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm