Nhậu nhầm so biển, ba người nhập viện cấp cứu

Tuy nhiên, chỉ có bốn người ăn so biển, một người ăn ít không bị gì và ba người phải nhập viện vào BV Nhân dân 115 vào sáng ngày 31-8.  

Vì ăn trứng so nên ngộ độc nặng nhất

Ths-BS Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống động BV Nhân dân 115, cho biết khoa vừa tiếp nhận ba bệnh nhân là Phan Văn Tèo (41 tuổi), Phan Văn Tiến (31 tuổi, cháu anh Tèo) và Lê Văn Nhanh (34 tuổi) do ăn nhầm so biển độc từ BV huyện Cần Giờ chuyển lên. 

Theo lời kể của bệnh nhân Phan Văn Tèo (41 tuổi) thì cách đây hai tuần, anh được đứa em đi đánh bắt ở biển về cho 15 con sam. Anh đã ăn hết 13 con, còn hai con luộc góp vào cuộc nhậu chiều ngày hôm trước. Tuy nhiên, bàn nhậu có sáu người thì chỉ có bốn người ăn món này. 

 Ba người ăn nhầm phải so biển bị ngộ độc đang được cấp cứu tại Bệnh viện 115. Ảnh: TÙNG SƠN.

“Tôi đã ăn sam nhiều lần, có lần ăn đến vài chục con nhưng chẳng bị gì”, anh Tèo nói. Tàn cuộc nhậu lúc 6 giờ chiều 30-8, anh Lê Văn Nhanh (34 tuổi) về nhà ngủ một giấc đến chín giờ tối thì tỉnh dậy nôn ói. Ban đầu anh cứ nghĩ nhậu say thì ói. Sau đó anh tiếp tục đi ngủ đến ba giờ sáng ngày 31-8 thì thấy tê môi nói không được, tay chân bủn rủn, chóng mặt không đi được. 

Thấy vậy, gia đình liền chuyển anh đến trạm xá Nghĩa An cho uống nước muối đặc để ói ra và chuyển lên BV huyện Cần Giờ. Bệnh nhân được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 vào khoảng 4 giờ sáng với tình trạng: tê tay chân và môi, chóng mặt, sức cơ tứ chi bình thường… Bệnh nhân được truyền tịch, rửa dạ dày và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. 

Theo lời anh Tèo thì sau khi ăn sam chiều hôm trước thì đến 3 giờ sáng hôm sau cậu cháu anh mới mới xuất hiện các triệu như trên và cũng đến trạm xá, lên BV huyện Cần Giờ và chuyển viện. Điều đáng lưu ý là cả ba bệnh nhân trên khi được hỏi có biết con so biển khác với con sam biển hay không thì họ đều lắc đầu bảo không. 

“Tôi chỉ ăn có mấy cái que (chân) và trứng thôi nhưng mà sao bị nặng nhất vậy không biết?”, bệnh nhân Nhanh nói. Tuy nhiên, theo BS Thắng, độc tố trong con so có ở trứng là nhiều nhất nên có thể lý giải vì sao bệnh nhân này bị nặng.

 “Tất cả các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nhẹ, chỉ tê tay chân và môi, chóng mặt, đồng tử giãn, cảm giác yếu mỏi tứ chi. Hiện tại sức khỏe cả ba bệnh nhân đều ổn định, không suy hô hấp, không yếu liệt… Ba bệnh nhân đang được theo dõi, truyền dịch, nuôi dưỡng”, BS Thắng nói. 

Để lâu dễ mất mạng 

TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết ngộ độc cấp khi ăn so biển là một cấp cứu khá thường gặp ở các tỉnh ven biển của Việt Nam cũng như các nước châu Á, xung quanh khu vực Indo – Tây Thái Bình Dương nơi có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. 

 Con sam (trái) và con so (phải). Ảnh: atvstp.org

Nguyên nhân thường là do nhầm lẫn ăn phải con so biển có chứa chất tetrodotoxins rất độc mà cứ tưởng là con sam biển không có độc tố (một loại hải sản nhiều bổ dưỡng) nên bị ngộ độc cấp, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện, chẩn đoán, xử trí cấp cứu và điều trị kịp thời. 

Theo TS-BS Huy, chất độc có trong con so biển là tetrodotoxins có một số đặc điểm sau: Tập trung ở các cơ quan nội tạng, nhất là trứng (giống như cá nóc). Không bị tiêu hủy bởi tẩy rửa, nấu chín, hoặc các biện pháp chế biến khác. Đây là một chất độc thần kinh – cơ, gây ức chế dẫn truyền trong sợi trục thần kinh, trung tâm hô hấp, sợi cơ trơn mạch máu và cơ vân xương. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc giải độc (antidote) đặc hiệu. 

BS Huy lưu ý, cần nghĩ đến ngộ độc so biển cấp khi người bệnh có ăn con so biển hoặc con sam biển (rất dễ nhầm lẫn) và có biểu hiện nôn ói, rối loạn thần kinh, suy hô hấp và tuần hoàn cấp. Cần phát hiện những biểu hiện đe dọa tính mạng của người bị ngộ độc như: mê sâu, không đáp ứng, không thở hay thở ngáp, mất mạch cảnh (bẹn)… để tiến hành cấp cứu hồi sinh tim – phổi ngay.

Đồng thời, khi bị ngộ độc cần gọi điện thoại 115 thông báo tình hình ngộ độc và địa điểm cần hỗ trợ cấp cứu hoặc xin tư vấn xử trí. Nếu bệnh nhân chưa bị nặng, còn tỉnh, cần gây nôn để tống hết thức ăn ra ngoài, sau đó cho uống than hoạt rồi khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến BV (mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc). 

“Tại BV, tùy thuộc người bệnh đến sớm (trước ba giờ) thì phối hợp loại bỏ chất độc bằng rửa dạ dày, dùng than hoạt nhiều liều và hỗ trợ sinh mạng. Nếu đến muộn và đã nặng thì tập trung hỗ trợ sinh mạng (hồi sức hô hấp bằng thông khí cơ học; hồi sức tuần hoàn bằng bù đủ dịch, dùng vận mạch và tăng co bóp cơ tim; hồi sức thần kinh bằng chống co giật và chăm sóc toàn diện người bệnh hôn mê…”, BS Huy cho biết.

 Phân biệt sam biển với so biển

Sam biển có tên khoa học là Tachypleus tridentatus, còn gọi là sam đuôi tam giác. Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù sam biển cùng trong họ Limulidae và ngành Arthropoda (động vật chân đốt) với so biển (Carcinoscorpius rotunnicauda) nhưng có nhiều đặc điểm khác nhau cần phân biệt. 

Hai loài so biển và sam biển sinh sống trong các môi trường khác nhau. Sam biển thường sống ở các dải cát tại khu vực có thủy triều cao trong khi so biển thì lại sống ở các lạch nước ngọt của rừng ngập mặn. Sam biển thường sống thành từng cặp, khi trưởng thành có kích thước lớn hơn, đuôi có gai, hình tam giác. Trong khi so biển thường sống đơn lẻ, khi trưởng thành kích thước nhỏ hơn (tối đa đường kính là 25 cm, trọng lượng thường dưới 1 kg) và có đuôi tròn, không có gai. 

TS-BS Đỗ Quốc Huy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm